Thị trường điện máy

Tan giấc mộng vàng

Mặc dù đang mùa cao điểm mua sắm Tết, song liên tiếp những ngày gần đây, một loạt các "ông lớn" trong lĩnh vực siêu thị, điện máy như Topcare, Parkson, Keangnam,... bất ngờ đóng cửa. Nhiều chuyên gia nhận định, sự ra đi này là kết quả tất yếu của cuộc sàng lọc thị trường. Khi các trung tâm ồ ạt mở ra, lao vào cuộc cạnh tranh một mất một còn trong giai đoạn sức mua thị trường đang ở điểm đáy, là nguyên nhân chính khiến "giấc mộng vàng" tan vỡ.

Sau khi thông báo ngừng hoạt động, Parkson Landmark buộc các chủ cửa hàng kinh doanh tại hệ thống phải thu dọn hàng hóa, quầy kệ để chuyển đi ngay trong đêm.
Sau khi thông báo ngừng hoạt động, Parkson Landmark buộc các chủ cửa hàng kinh doanh tại hệ thống phải thu dọn hàng hóa, quầy kệ để chuyển đi ngay trong đêm.

Ồ ạt mở, ồ ạt đóng

Ngày 23-1, các siêu thị thuộc hệ thống bán lẻ điện máy Topcare trên địa bàn Hà Nội, tại các địa chỉ 335 Cầu Giấy, 463 Minh Khai và số 1 Hoàng Minh Giám đột ngột thông báo đóng cửa, dừng bán hàng. Bên ngoài các siêu thị của hệ thống Topcare đều treo biển "Siêu thị tạm đóng cửa kiểm kê". Cả khu siêu thị vắng hoe, không một bóng người. Cách đó hơn một tháng, siêu thị Topcare số 1 Hoàng Minh Giám vừa khai trương rình rang, nay một ngân hàng đã niêm phong toàn bộ sản phẩm, chờ chuyển đi. Tại địa điểm Topcare 335 Cầu Giấy cửa đóng kín, mấy anh bảo vệ nói, chỉ được lệnh trông giữ, tránh tình trạng hàng hóa bị "thất lạc" chứ không biết bao giờ siêu thị sẽ mở cửa trở lại.

Xuất hiện ở Hà Nội từ năm 2008, chuỗi siêu thị điện máy Topcare thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Ngôi Sao Châu Á.Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn sáu năm hoạt động, Ngôi Sao Châu Á đã tám lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký, lần mới nhất vào ngày 10-1-2015. "Giải mã" hiện tượng Topcare, một chuyên gia nhận định: Topcare ra đời muộn màng, đi sau một số siêu thị điện máy như Pico, HC, Nguyễn Kim,... Hơn một năm qua, hệ thống này đã phải chật vật tái cơ cấu và vướng vào những lùm xùm như nghi vấn bị thâu tóm hay bị ngân hàng thanh lý tài sản bảo đảm để giải quyết hợp đồng tín dụng.

Ngay trong những ngày đầu năm 2015, thị trường Việt Nam chứng kiến sự kiện Parkson - thương hiệu bán lẻ cao cấp đột ngột tuyên bố "khai tử" trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội do thua lỗ. Chiều 2-1, Tổng Giám đốc Parkson Hà Nội bất ngờ ban hành thông báo: "Trung tâm thương mại Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức kể từ ngày ban hành", các chủ hàng chỉ có hai ngày sau đó để dọn dẹp hàng hóa, quầy kệ. Parkson sở hữu chín địa điểm mua sắm lớn, đều tọa lạc ở những vị trí đắc địa, nhưng sự hào nhoáng vẻ ngoài vẫn không đủ hấp lực thu hút khách hàng. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh tại Parkson buồn rầu, mặc dù gần vào dịp Tết, nhưng lượng khách rất thưa thớt.

Cháy nhà, ra... hàng rởm

Cuối tháng 8, đầu tháng 9-2014, chuỗi siêu thị điện máy Home One (Công ty cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong) đã nhường vị trí tiên phong cho người khác, lùi xuống vị trí cuối bảng khi buộc phải đóng cửa hai siêu thị điện máy của mình tại TP Hồ Chí Minh, do kinh doanh thua lỗ, nợ tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên tới hàng tỷ đồng. Hệ thống siêu thị Việt Long, một trong những thương hiệu Việt đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ điện máy đang trong tình cảnh hết sức bi đát. Cuộc giành giật thị phần và tiêu diệt lẫn nhau đã khiến không ít DN điện máy lún sâu vào vũng bùn nợ nần. Chiêu phổ biến và được áp dụng nhiều nhất vẫn là khuyến mại, khuyến mại và khuyến mại. Cứ siêu thị nào chuẩn bị có chương trình khuyến mại, y như rằng đối thủ "tung đòn" trước, với tỷ lệ "khủng" hơn.

Để có lãi, các mặt hàng điện máy phải tăng giá khoảng 15 đến 20% mới đủ trang trải chi phí, các chiêu khuyến mại đang được DN áp dụng không khác gì cảnh "uống nước muối giải khát". Tìm cách tồn tại, một số DN điện máy đã "bỏ phố về làng", mở các siêu thị tại tỉnh lẻ do chi phí thuê mặt bằng, nhân công thấp hơn, nhu cầu hàng điện máy, gia dụng tại nông thôn đang có xu hướng tăng. Media Mart có kế hoạch mở khoảng 10 siêu thị điện máy tại các tỉnh miền bắc, Nguyễn Kim đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ ngự trị tại 32 tỉnh, thành phố, Trần Anh tham vọng phủ kín hệ thống siêu thị trên toàn quốc,... Tuy nhiên, việc cùng ồ ạt mở ra tại các địa phương, cùng áp dụng một chiêu cạnh tranh đại hạ giá chỉ nhằm tiêu diệt lẫn nhau, thiếu quan tâm nâng cao năng lực quản trị, chất lượng dịch vụ, vấn đề thua lỗ, phá sản sẽ là đích đến tất yếu của các siêu thị điện máy.

Sau khi Topcare đóng cửa, ngoài chủ nợ, có lẽ những khách hàng của Topcare cũng hoang mang không kém. Anh Trần Kim Tùng, trú tại phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Gia đình anh mua một chiếc tủ lạnh Side by Side của Hitachi tại siêu thị Topcare Cầu Giấy với giá gần 70 triệu đồng (bảo hành 12 tháng), anh còn cẩn thận mua thêm gói bảo hành mở rộng Topcare Plus trong hai năm với giá hơn 2,5 triệu đồng. Vì thế, khi biết Topcare đóng cửa, anh rất lo lắng vì nhỡ tủ lạnh có vấn đề, sẽ không biết bảo hành thế nào. Thử gọi cho cả hai số điện thoại hỗ trợ khách hàng của Topcare, một số không liên lạc được, một số chuông đổ nhưng không ai nghe máy.

Khi hệ thống siêu thị điện máy Home One rời thị trường, nhiều trường hợp khách hàng "khóc dở, mếu dở", bị từ chối bảo hành sản phẩm vì không phải hàng chính hãng. Chị Bùi Huyền, ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh mua một tivi led Sony tại siêu thị điện máy Home One, tầng B1 Vincom Center A (quận 1). Sau vài tháng sử dụng, ti-vi gặp trục trặc, gọi điện đến bộ phận chăm sóc khách hàng của Home One, chị được thông báo siêu thị ngừng hoạt động. Đưa đến trung tâm bảo hành hãng, chị tá hỏa khi hãng từ chối bảo hành vì không phải sản phẩm chính hãng. Nhiều hãng sản xuất thông báo không phải nhà cung cấp cho Home One, có thể những sản phẩm được bán tại đây là hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hàng điện máy thường có có giá trị lớn, nhưng khách hàng không phải vào siêu thị "hoành tráng" mua hàng là yên tâm về chất lượng, nguồn gốc,... Để làm đại lý chính hãng, DN điện máy phải thỏa mãn nhiều điều kiện, tiêu chuẩn về doanh số, cơ sở vật chất, tài chính, hệ thống quản lý và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Một số siêu thị lực mỏng, vốn yếu đã bán hàng trôi nổi, lừa bịp người tiêu dùng. Khách hàng khi mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc không được bảo hành chính hãng, chỉ nhận được phiếu bảo hành do siêu thị tự in. Để tránh rủi ro, người tiêu dùng nên cân nhắc, lựa chọn các hệ thống điện máy thật sự uy tín, đầu tư bền vững, có chính sách hậu mãi chu đáo, bởi vòng đời sản phẩm còn kéo dài sau đó với các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, thay thế linh kiện. Hàng loạt DN tập trung vào "miếng bánh" điện máy, liên tiếp phát triển hệ thống siêu thị, nhưng dường như thiếu sự chuẩn bị tốt, chưa lường hết rủi ro của nhóm sản phẩm điện máy đòi hỏi lớn về nghiệp vụ hậu mãi tốn kém, phức tạp. Vì thế, trong thời gian tới, các DN "nhẵn túi" phải tháo chạy khỏi thị trường sẽ không phải chuyện cá biệt.

Năm năm, năm chuỗi siêu thị điện máy phá sản

Tháng 6-2010, Wonder Buy - hệ thống siêu thị điện máy "bán hàng kiểu Mỹ" rầm rộ khai trương, kinh doanh hơn 70 nghìn chủng loại hàng điện máy và nội thất. Một năm sau, Wonder Buy tuyên bố phá sản, với khoản lỗ hơn 50 tỷ đồng. Ra đời cuối năm 2004, Best Carings là nhà kinh doanh hàng điện tử, điện máy sôi động bậc nhất Hà Nội. Đến cuối năm 2012, hệ thống này đã lặng lẽ rút khỏi thị trường điện máy. Home One - hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, với số vốn khoảng 200 tỷ đồng. Trong hai năm kinh doanh, Home One cơ bản "ngoạm" hết vốn. Tháng 9-2013, Home One chính thức "một bước quay về nhà". Năm 2002, điện máy Việt Long nổi lên là một trong những thương hiệu lớn tại thị trường Hà Nội, sau 11 năm hoạt động, Việt Long đã liên tục lao dốc, cuối cùng bị ngân hàng siết nợ. Và cuối cùng là Topcare...

Bốn đặc điểm "chết người" của thị trường điện máy

Thị trường điện máy có bốn đặc điểm chính: Thứ nhất, độ rủi ro lớn. Các sản phẩm thay đổi mô-đen rất nhanh, giá cả biến động mạnh. Một chiếc điện thoại giá 10 triệu đồng, mấy tháng sau có khi giá chỉ còn chưa đầy một nửa. DN nào "ôm" nhiều sẽ chịu thua lỗ lớn. Thứ hai, chu kỳ đồ điện máy thường rất dài, một chiếc ti-vi có thể dùng đến 10 năm, máy giặt 5 đến 7 năm, chu kỳ mới có khả năng phải tới 4 đến 5 năm nữa với các công nghệ hoàn toàn mới,... Doanh nghiệp nào không trường vốn, rất dễ bị "hụt hơi". Thứ ba, số lượng siêu thị điện máy được mở ra quá nhiều, cạnh tranh gay gắt, nhiều DN phải bán bằng hoặc thấp hơn giá thành. Thứ tư là vấn nạn hàng lậu, hàng giả diễn ra tràn lan, vừa qua công an bắt giữ hàng điện máy giả từ Quảng Đông (Trung Quốc) dán mác I-ta-lia, Đức trị giá hàng tỷ đồng. DN điện máy làm ăn chân chính rất khó vượt qua bốn thách thức này.

VŨ VINH PHÚ

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Có thể bạn quan tâm