Tận dụng năng lượng mặt trời, Cuba giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch

NDO -

NDĐT – Đảo quốc Cuba ngập nắng đã cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách biến ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm thành nguồn năng lượng sạch dồi dào.

Trang trại năng lượng mặt trời đầu tiên của Cuba ở Cantarrana (Ảnh: AP)
Trang trại năng lượng mặt trời đầu tiên của Cuba ở Cantarrana (Ảnh: AP)

Hòn đảo này hiện có khoảng 60 trang trại năng lượng mặt trời và chính phủ có kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy điện bằng năng lượng mặt trời để đạt mức 1.825 kilowatt mỗi mét vuông, cao hơn mức trung bình của thế giới.

Cuba đang sản xuất các tấm pin mặt trời tại Công ty Linh kiện Điện tử ở tỉnh cực tây Pinar del Rio.

Giáo sư tại Đại học Havana, chuyên gia năng lượng mặt trời Daniel Stolik cho biết: “tại Cuba, sản xuất một kilowatt (điện) từ năng lượng mặt trời có giá từ sáu đến bảy xu Mỹ, rẻ hơn so với nhiên liệu thông thường vốn có giá từ 15 đến 20 xu.”

Việc chuyển đổi sản xuất năng lượng của quốc gia thành các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột của chương trình cải cách kinh tế của chính phủ Cuba, nhằm mục đích cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu tốn kém.

Các nguồn năng lượng tái tạo hiện có của Cuba cùng với các cơ sở mới được xây dựng dự kiến sẽ tạo ra hơn 1.100 gigawatt trong năm nay.

Hiện, Cuba đang xây dựng hai trang trại năng lượng mặt trời, La Herradura 1 và La Herradura 2 ở phía đông tỉnh Las Tunas.

Bốn trang trại năng lượng mặt trời khác đã được hoàn thành ở các tỉnh Villa Clara, Holguin và Granma, tất cả được kết nối với lưới điện quốc gia, và có 19 trang trại khác đã được lên kế hoạch xây dựng.

Theo kế hoạch của chính phủ nhằm mở rộng công suất năng lượng tái tạo, đến năm 2030, năng lượng sạch sẽ chiếm 24% năng lượng được tạo ra ở Cuba.

Gần 111.000 km2 bề mặt diện tích đất liền của Cuba nhận được sự chiếu xạ mặt trời bằng với năng lượng được tạo ra bởi 50 triệu tấn nhiên liệu.