Tận dụng lợi thế phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn

Quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, mang tính đột phá nhằm tận dụng lợi thế khai thác tiềm năng to lớn của con sông dài gần 80 km chảy qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung này vừa được Liên danh tư vấn báo cáo, lấy ý kiến chuyên gia góp ý cho đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch hạ tầng ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra bộ mặt đô thị mới, phát huy lợi thế về mọi mặt cho Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ÐẠT)
Quy hoạch hạ tầng ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra bộ mặt đô thị mới, phát huy lợi thế về mọi mặt cho Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ÐẠT)

Giá trị cộng thêm nhưng vẫn bảo tồn hệ sinh thái

Với mục tiêu biến không gian dọc sông Sài Gòn trở thành trọng tâm phát triển mang tính đột phá, nhằm đưa Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên đẳng cấp quốc tế, khu vực quy hoạch tuyến đường ven sông sẽ kéo dài từ cầu Cần Giờ tới huyện Củ Chi.

Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất thành phố thực hiện định hướng phát triển khi quy hoạch như sau: Tổ chức dải công viên công cộng liên tục ven sông, để bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông; Bảo tồn và phát huy mạng lưới hạ tầng xanh, bao gồm sông Sài Gòn và hệ sinh thái các sông ngòi đổ vào sông Sài Gòn, đặc biệt là sông Ðồng Nai, rạch Phước Long, sông Mương Chuối, kênh Bến Nghé, vùng ven sông ở Khu chế xuất Tân Thuận, cảng Khánh Hội, Thủ Thiêm, Thanh Ða…; tổ chức kết nối giao thông, bao gồm cả đường bộ, tuyến đi xe đạp, đường dạo, giao thông công cộng dọc theo sông Sài Gòn và các sông, kênh, rạch chính, đồng thời tăng cường kết nối từ các khu vực đô thị về các vùng xanh.

"Lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như "trái tim mở rộng" - vùng trung tâm quan trọng và có giá trị nhất của thành phố; đưa không gian này trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách", đại diện Liên danh tư vấn đánh giá.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch của thành phố, đặc biệt là sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong khi đó, thành phố định hướng kinh tế dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng, là ngành đem lại giá trị cộng thêm cho nền kinh tế nhưng bảo đảm phát triển vẫn bảo tồn hệ sinh thái đô thị.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, doanh nghiệp khai thác buýt sông duy nhất của thành phố cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường ven sông Sài Gòn vì hệ sinh thái sông nước của Thành phố Hồ Chí Minh rất dài và rất rộng với tiềm năng cực kỳ to lớn. Du lịch trên sông vẫn còn nhiều dư địa. Theo ông Toản, thành phố cần ưu tiên hoàn chỉnh quy hoạch điểm dừng, đón khách, cầu tàu vì đây là "xương sống" để phát triển và hình thành giao thông thủy, du lịch đường thủy. Có như vậy, đường ven sông mới thực sự phát huy giá trị của nó.

Quy hoạch gắn với các ngành kinh tế dịch vụ

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Ðề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020-2045. Cụ thể, khu vực bờ đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Ðề án này cũng là tiền đề để thành phố vạch ra kế hoạch phát triển quỹ đất hai bên sông Sài Gòn. Theo kế hoạch, sông Sài Gòn được chia hai vùng, bao gồm: Vùng thượng lưu từ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long-Quận 12; vùng trung-hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Ðèn Ðỏ (tại ngã ba sông Sài Gòn-sông Soài Rạp-Quận 7).

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Ðề án được thực hiện theo lộ trình: Trong giai đoạn 2022 đến 2025, thành phố triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn-khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước; trong giai đoạn từ năm 2025-2045, dự án được đầu tư thực hiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch-kinh tế-dịch vụ giải trí. Song song với đó, thành phố sẽ hoàn thiện pháp lý về quy hoạch khu vực dọc sông Sài Gòn.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sông Sài Gòn là ranh giới tự nhiên kết nối giao thông thủy Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong khu vực Ðông Nam Bộ, nhưng đến nay chưa có một con đường chạy dọc bờ sông để kết nối giao thông và những điểm du lịch, văn hóa có bề dày lịch sử lâu đời. Hiện nay tuyến đường ven sông đang từng bước được rà soát để điều chỉnh quy hoạch nhằm đưa vào quy định chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông gồm: Giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao; các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo. Các tỉnh khu vực Ðông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh cũng đang triển khai công tác quy hoạch. Mới đây, các tỉnh này đã thống nhất ý kiến cần có tuyến đường ven sông kết nối liên vùng, đặc biệt là đường ven sông Sài Gòn, dọc đường hai bên sông sẽ có bến thủy…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Tuyên nêu quan điểm, quy hoạch đường ven sông Sài Gòn là cần thiết vì đi qua huyện Hóc Môn kết nối vào huyện Củ Chi sẽ giúp giảm áp lực cho Quốc lộ 22. Tuy nhiên, quy hoạch này cần dựa trên tình hình thực tế, tránh quy hoạch "trên giấy" sẽ thổi giá đất lên cao. Không gian chạy dọc ven sông cần được thành phố bố trí kiến trúc, cảnh quan và tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến hạ tầng xanh và sông nước, từ đó tăng sức cuốn hút, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh.