Theo Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, EVFTA được đánh giá là hiệp định thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao, có phạm vi tự do hóa rộng. Trong EVFTA, ngoài mục tiêu xóa bỏ hàng rào thương mại, hai bên còn hướng tới tự do đầu tư và thương mại dịch vụ trong một số lĩnh vực như vận tải, viễn thông, giáo dục, tài chính, phân phối, các cam kết về di chuyển thể nhân trong dịch vụ kiến trúc, quy hoạch đô thị, tư vấn kỹ thuật, giáo dục bậc cao và môi trường. Nhìn chung, đây là giai đoạn Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng tiến tới hội nhập quốc tế sâu rộng, tổng thể.
EVFTA sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TP Hồ Chí Minh và cả nước, nhất là thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm... Việc thực thi EVFTA với các tiêu chuẩn cao là động lực tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế của thành phố, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nhất là gia tăng hàm lượng công nghệ cho hàng hóa xuất khẩu. Về lâu dài, hướng kinh tế của thành phố tới một nền kinh tế cạnh tranh, đổi mới và sáng tạo hơn. Quá trình triển khai EVFTA cũng tạo những lợi thế cạnh tranh cao hơn cho thành phố và cả nước trong tận dụng các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao gắn với chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng.
Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Đó là sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN), thách thức về năng lực thực thi do lộ trình thực thi các cam kết, các quy tắc, thủ tục chặt chẽ liên quan các lĩnh vực “thế hệ mới” như: Sở hữu trí tuệ; mua sắm chính phủ; phát triển bền vững; lao động… Hơn nữa, cần phải hạn chế được các tranh chấp kinh tế - thương mại với các đối tác.
TP Hồ Chí Minh không nằm ngoài những tác động của cơ hội và thách thức nêu trên, nhất là với vị thế “đầu tàu” thương mại của cả nước. Tiến sĩ Lê Đăng Minh (Trường đại học Công nghệ Sài Gòn) cho biết: Trước khi EVFTA có hiệu lực, EU luôn là nhà đầu tư, đối tác thương mại truyền thống của TP Hồ Chí Minh. Tính đến nay, EU đã có khoảng 910 dự án của 24 quốc gia đã được cấp phép và chứng nhận đầu tư. Trong đó, Hà Lan là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký 1,82 tỷ USD cho 140 dự án, chiếm 3,83% tổng vốn đầu tư. Pháp là quốc gia có 263 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đạt hơn 257 triệu USD, chiếm 2,85% tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn thành phố.
Về thương mại, EU là thị trường xuất siêu truyền thống và là đối tác xuất khẩu thứ ba, đối tác nhập khẩu thứ hai của TP Hồ Chí Minh. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 5,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với năm 2019, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Xét về cơ cấu, mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa TP Hồ Chí Minh và EU không đối đầu, cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ trợ cho nhau. Thành phố chủ yếu xuất khẩu sang EU hai mặt hàng dệt may - da giày và nông sản các loại; nhập khẩu từ EU máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại. Do đó, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa thành phố tiếp cận thị trường hơn 500 triệu dân của EU.
TP Hồ Chí Minh đã tích cực, chủ động triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU. Trên cơ sở xác định hai nhóm sản phẩm có tiềm năng mở rộng xuất khẩu nêu trên, thành phố tiếp tục chủ động cải tiến chất lượng dịch vụ, tăng cường tập huấn về EVFTA cho công chức theo từng nhóm, bám sát yêu cầu công việc cụ thể để hỗ trợ thiết thực cho DN. Phối hợp Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và các thương vụ, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường các nước thành viên EU để thành phố hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 DN hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn thành phố…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tránh thụ động và thua thiệt trong việc thực thi EVFTA, TP Hồ Chí Minh cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các hiệp định thế hệ mới, bao gồm Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA, thống nhất một đầu mối chỉ đạo thực hiện là Ban chỉ đạo của thành phố về hội nhập quốc tế. Trong đó, thành phố cần xác định rõ các nhóm sản phẩm có tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU để đề ra các biện pháp thực thi cụ thể.
EVFTA có hiệu lực, hàng hóa vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, thành phố nên xác định vấn đề cơ bản phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong từng sản phẩm Việt. Điều đáng quan tâm, DN thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là DN sản xuất nhỏ và vừa, do đó cần tiếp tục triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển DN số…