Với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa nghề truyền thống", Liên hoan được kỳ vọng sẽ là hoạt động văn hóa, du lịch góp phần giới thiệu, bảo tồn, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch của TP Hà Nội cũng như của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây cũng là dịp để các làng nghề, doanh nghiệp nghề truyền thống, các doanh nghiệp du lịch giao lưu, hợp tác, phát triển sản phẩm nghề truyền thống và nhiều lĩnh vực khác. Dự kiến, sẽ có 250 gian hàng, gồm khu giới thiệu các làng nghề, khu quảng bá du lịch, khu ẩm thực...
Khác với những năm trước, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 nhấn mạnh tới việc tái dựng những không gian làng nghề, nhằm đem đến cho khách tham quan những cảm nhận chân thực nhất về các nghề truyền thống tiêu biểu.
Ngoài các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm, Ban Tổ chức dành hai không gian rộng lớn để tái hiện các hoạt động của hai làng nghề tiêu biểu trên đất Thăng Long - Hà Nội là gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc.
Nổi bật nhất là mô hình tái hiện lò bầu nung gốm cổ truyền của làng Bát Tràng. Mô hình lò bầu được thiết kế với tỉ lệ 1/1, có chiều dài 15m. Mô hình này cộng hưởng với nghệ thuật sắp đặt sẽ khiến khách tham quan có cảm giác như được đến với lò gốm tại làng cổ Bát Tràng.
Bên cạnh đó, 44 đạo sắc phong của đình làng Bát Tràng cũng được trưng bày, khẳng định bề dày truyền thống của ngôi làng.
Với làng lụa Vạn Phúc, ngoài mô hình tái hiện cổng làng, khung cửi, cảnh kéo tơ, các loại máy móc dệt lụa, Ban Tổ chức sẽ tái dựng cả không gian trồng dâu để mọi người có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa...
Cũng tại khu vực quảng trường Đoan Môn thuộc Hoàng thành Thăng Long, bảy nghề tiêu biểu của Hà Nội sẽ được các nghệ nhân trình diễn như: làm nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, làm đèn Trung thu...
Ngoài ra, còn có khu trưng bày làng nghề của các tỉnh, thành phố. Hiện, đã có 22 tỉnh, thành phố trên cả nước đăng ký tham gia.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội - Việt Nam năm 2016 mong muốn trở thành một "đường link", khiến du khách tò mò, mong muốn khám phá các làng nghề của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề cho tương xứng với tiềm năng.