Sức vươn Sa Lý

Ðã 13 năm rồi tôi mới có dịp trở lại Sa Lý, cũng không phải đi bằng xe máy mà nhờ được chiếc xe bảy chỗ gầm cao của Ủy ban huyện. Vèo một lát, đã có mặt ở nơi sâu, xa nhất huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang), nơi vốn được gọi với những cái tên đầy ma mị: Sa Lý tự do, "ốc đảo tự do", "U Minh cốc"...

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Ngạn làm thủ tục cho hộ nghèo ở xã Sa Lý vay vốn phát triển sản xuất.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Ngạn làm thủ tục cho hộ nghèo ở xã Sa Lý vay vốn phát triển sản xuất.

Chuyện của Bí thư Ðảng ủy xã

Lần giở những hồi ức ít ỏi về vùng đất hoang vu miền biên viễn, nằm ngay dưới chân Thượng ải quan - một phòng tuyến của quân dân Ðại Việt xưa chống xâm lăng phương bắc, xã Sa Lý giống như một đặc khu rộng 3.467ha biệt lập trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Cả xã có 685 hộ, 2.885 khẩu, chín dân tộc, 68% số hộ nghèo và cận nghèo, 30% có nguy cơ tái nghèo cao. Mười năm trước, nghề chính của đồng bào nơi đây là vào rừng tìm kiếm lâm thổ sản và đào đãi vàng. Nay nghề chính của bà con là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và... vào rừng, nhưng vào rừng để cho bớt nhớ, để kiếm vài món đặc sản rừng ăn chơi chứ không phải để kiếm sống như trước nữa. Dẹp bỏ được nạn đào đãi vàng sa khoáng là một bước tiến đáng kể, đáng tự hào của chính quyền và nhân dân ở đây.

Bí thư Ðảng ủy xã Hoàng Văn Hầu thoạt nhìn "cũ" hơn cái tuổi 57 bởi mái tóc "muối nhiều hơn tiêu" và vầng trán cao tới gần đỉnh đầu. Gần 30 năm công tác ở xã, phần lớn thời gian anh được phân công giữ các chức vụ: Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Trăn trở để giúp dân, giúp mình thoát nghèo là bài toán khó mà đến nay anh mới chỉ giải được phân nửa. Cái khó bó cái khôn, ngồi trước cái mâm chỏng chơ đĩa muối rang riềng ớt, vài con cá mắm nướng và bát canh rau rừng trong veo, ai nghĩ được xa hơn bữa ăn của ngày mai đã là người có đầu óc cấp tiến lắm. Vậy nhưng Chủ tịch xã Hoàng Văn Hầu lúc đó không chỉ nghĩ, mà còn làm được, làm tốt nữa là khác. Ông nuôi trâu, chăn thả tự do trong những cánh rừng bạt ngàn trên dãy núi Vạn Cung huyền bí. Cứ độ nửa tháng, người ta lại thấy Chủ tịch xã đeo giày lính, đội mũ cối, tay cầm chai nước, vai khoác bị cói tấp tểnh vào rừng thăm trâu. Cao điểm, đàn trâu của ông lên tới hơn một trăm con. Gia đình ông có bát ăn bát để từ chính đàn trâu này. Chúng tôi tò mò hỏi ông:

- Nuôi nhiều thế, mà lại thả tự do trong rừng, vậy có bao giờ mất không anh?

- Ấy, có mất chứ, bà con dân tộc mình thì không có tính tắt mắt đâu, nhưng bọn trộm trâu từ nơi khác đến, thi thoảng nó vẫn dắt mất của mình một vài con đấy.

- Nhưng sao anh có thể gọi trâu về để kiểm đếm?

- Mình thường hòa muối vào nước, mỗi lần đi thăm trâu đều tưới nước muối đó vào bãi cỏ nhất định. Trâu đàn quen hơi, nghe tiếng mõ gọi là kéo nhau về thôi.

Ra là thế. Nhưng mà kể cũng hơi nhiêu khê, và có phần chủ quan nữa, với thời giá hiện nay, ai dám vứt dăm bảy trăm triệu tung tăng giữa rừng như ông Bí thư Ðảng ủy xã Sa Lý Hoàng Văn Hầu.

Kể lại quá trình triệt phá nạn "vàng tặc" trên con suối Luồng, khu Ao Trời, Bí thư Hầu nói:

- Nói gì thì nói, do bà con mình nghèo, đói mà ra cả. Vàng sa khoáng, vàng cám cứ lồ lộ ra đấy, sau mỗi độ nước lớn, xói cát, sỏi, lại lộ ra, ai mà không ra đó lấy chứ. Bà con ra, họ hàng, người nhà tôi cũng ra, tôi cũng muốn ra lắm nhưng vị trí của mình khi đó không cho phép làm thế. Thì thôi, nhưng không cấm, cản được. Sau này người từ nơi khác đến, mang cả tàu há mồm thì quả là không chịu nổi. Nó phá nát dòng suối, nó mang tệ nạn theo. Xã muốn cấm nhưng tự lực thì không làm được đâu, phải nhờ đến huyện, nhưng huyện chưa để tâm lắm. Ðến năm 2012 mới làm được, làm triệt để rồi. Giờ xong hẳn rồi.

Cũng chính vì lỗi để vàng tặc lộng hành, và một phần do mải lo phát triển đàn trâu kiếm cơm mà Bí thư Hầu mắc lỗi buông lỏng quản lý, để mất dân chủ trong Ðảng ủy và một số chi bộ, bị kỷ luật, cách chức xuống làm Thường trực Ðảng ủy xã, rồi làm công tác mặt trận. Vẫn vui vẻ làm, nhưng bà con tinh lắm, người ta tin ông, thương ông, khóa sau họ lại bầu ông làm Chủ tịch, rồi làm Bí thư. Lúc ấy, ông mới thấm thía câu "lấy dân làm gốc" và tập trung sức lực lo phát triển kinh tế cho bà con trong xã, bằng chính kinh nghiệm, tư duy làm kinh tế của mình.

Sức vươn Sa Lý ảnh 1

Phát triển chăn nuôi gia súc lớn tại Sa Lý.

Nơi giấc mơ đang thành hình

Nếu phải nói đến điều đầu tiên làm thay đổi, mang đến cho Sa Lý hy vọng thoát đói, giảm nghèo chính là con đường trải nhựa phẳng phiu nối từ đỉnh Thượng ải quan năm xưa xuống các xã vùng thấp. Chỉ tính đơn giản, 50km đường từ trung tâm huyện lên Sa Lý trước kia đi mất nửa ngày, nay chỉ còn không đầy hai giờ đồng hồ. Anh đồng nghiệp ở Báo Bắc Giang kể rằng hồi chưa có đường nhựa, mỗi lần đi công tác Sa Lý quả là kỳ tích. Muốn lên, phải liên hệ trước với huyện, để huyện lo phương tiện hoặc chờ có ai lên công tác thì đi nhờ. Ðề tài chưa xong, người cho đi nhờ phải về trước thì nhà báo cứ nằm lại đợi đến cuối tuần, đi nhờ xe máy thầy giáo nào đó xuống phố. Nhớ có lần anh lên bản Cây Lâm trên đỉnh núi, đêm nằm nhìn trời tưởng như giơ tay với được trăng sao, phía dưới, xa tít mờ là con đường vắt vẻo như cái khăn suông đứt đoạn nơi nút thắt Thượng ải quan. Có mơ anh cũng không nghĩ đến một ngày nơi này có điện. Cánh nhà báo, ai được phân công phụ trách địa bàn Lục Ngạn, mỗi năm đi Sa Lý được đôi, ba lần đã là can đảm lắm.

Ðiều thứ hai phải nói đến là quyết tâm củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém của Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Ngạn đối với một số xã, trong đó có Sa Lý. Nhắc lại chuyện này, Bí thư Hoàng Văn Hầu cười buồn:

- Thường vụ Huyện ủy kết luận Ban Thường vụ Ðảng ủy Sa Lý để mất dân chủ, mất đoàn kết, buông lỏng quản lý không hề oan. Ban Thường vụ Ðảng ủy xã chịu kỷ luật, có anh bị cách chức, có anh bị chuyển công tác, anh cho về hưu cũng không hề oan. Thời điểm ấy, dường như tập thể Ðảng ủy, chính quyền xã mất phương hướng, công việc ngưng trệ cả. Cũng nhờ Ban Thường vụ Huyện ủy quyết liệt, cử một tổ công tác năm người lên "nằm" tại xã sáu tháng liền lo việc củng cố tổ chức cơ sở đảng, lại chuyển hẳn một cán bộ cấp phòng tăng cường bên chính quyền. Ðến giờ Sa Lý mới tạm ổn định, công việc dần vào nền nếp.

Những ai biết đến Sa Lý cũng biết rằng thời điểm đó xã chịu sự tác động khá lớn của "công cuộc" di dân tái định cư trả lại đất cho Trung tâm Huấn luyện bắn Quốc gia khu vực I và các lực lượng chức năng huyện, tỉnh tổ chức triệt phá nạn vàng tặc trên địa bàn. Cả xã lao đao, cán bộ bị kỷ luật hàng loạt, dân thiếu đất sản xuất, không việc làm. Cái đói lập tức ập đến. "Chuyện cũ, dù buồn cũng phải nhắc để nhớ, để lấy làm bài học xương máu cho công tác cán bộ, chính quyền" - Bí thư Hầu kết thúc chuyện cũ bằng lời tự sự như thế để bắt đầu một câu chuyện khác, về một Sa Lý khác.

Ðộng lực cho Sa Lý "cất cánh"

Bước đi đầu tiên mà Sa Lý thực hiện sau củng cố là an dân. Không "an" sao được khi một bộ phận lớn dân trong xã đang có mức sống dưới cả đói nghèo. Nghị quyết Ðảng bộ xã giao cho mỗi vị trí trong Ðảng ủy, chính quyền phải đi từng nhà, gặp từng người, rủ rỉ tâm sự cũng được, gay gắt cũng được nhưng phải để bà con tin tưởng, yên tâm sinh sống đã. Sau bước an dân, xã phải lo đến việc an sinh cho bà con, nhất là các hộ vừa di dân, các hộ không có việc làm, thiếu đất, hộ cực nghèo. Mọi nguồn vốn, từ ngân sách hỗ trợ đến vay mượn từ ngân hàng chính sách đều được xã huy động cho cuộc chiến chống đói nghèo. Chưa làm được lúa, không đất lúa thì phát huy thế mạnh rừng, 334 hộ được giao hơn 635ha rừng để trồng, chăm sóc, bảo vệ trong đợt này; hàng nghìn con trâu, bò, dê, lợn, gà có được từ vốn ngân hàng chính sách cho vay và người dân tự huy động cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho hộ nghèo, cận nghèo. Ðất đai Sa Lý mênh mông, trừ gà, lợn ra, số gia súc hầu hết được người dân nuôi thả tự do, không phải mất tiền thức ăn cho chúng. Về kỹ thuật thì đã có, kinh nghiệm, thực tiễn từ ông Bí thư, chưa rõ thì có cán bộ khuyến nông thường trực tại xã giúp. Khuyến nông huyện cũng quan tâm mở cho Sa Lý 12 lớp tập huấn được gần 600 người tham gia, cả trồng trọt lẫn chăn nuôi...

Nhắc đến việc này, ánh mắt Bí thư Hầu dường như bớt đăm chiêu:

- Thay đổi rõ nhất, là tư duy, phương pháp làm việc của cán bộ, chính quyền. Từ cách tiếp dân, ban hành văn bản chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ phụ trách phải học, ai chưa chuẩn phải sửa đổi. Hiệu quả ngay. Bà con mình "thích" đến ủy ban, hay gặp và trò chuyện với cán bộ xã hơn. Ðiều đó có ích nhiều cho công cuộc đổi mới của xã...

Trong thời gian này, tỉnh, huyện cũng quan tâm đưa nhiều chương trình, dự án về giúp Sa Lý tạo sức bật trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Ngoài con đường chính được trải nhựa, một số công trình hạ tầng như đường điện dự án KFW, thủy lợi, trường học, trạm y tế... Sa Lý cũng đã "dũng cảm" hoàn thiện Ðề án xây dựng nông thôn mới trình huyện duyệt. Xã duy trì phổ cập mầm non, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với tổng số 36 lớp học các cấp là nơi học tập của 628 học sinh trong độ tuổi đến trường...

Nhưng, để tạo được bước tiến vượt bậc, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Sa Lý sẽ phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức.

Bí thư Hầu nói: Về con người, xã tạo mọi điều kiện, khuyến khích các hộ cho con em đến trường, cam kết đồng thời đề nghị huyện tạo điều kiện cho con em Sa Lý sau khi học xong về địa phương công tác. Cán bộ phải trẻ hóa, phải nâng cao năng lực, nhất là cán bộ xã, cán bộ chuyên trách kinh tế -xã hội, chứ chúng tôi già rồi, cỗi rồi, đổi mới nó ỳ ạch lắm. Giáo viên phải thêm nhiều người địa phương. Bà con mình muốn làm ăn giỏi, cũng phải học, phải tìm hiểu chứ không thụ động chờ đợi nữa... Về kinh tế, xã xác định kinh tế rừng vẫn là chủ đạo, gần đây thêm được chăn nuôi gia súc lớn, cũng là một bước đột phá. Mỗi năm nguồn thu từ gia súc mang về cả tỷ đồng cho hộ chăn nuôi. Với giá trị khoảng 50 triệu đồng/ha rừng trồng, đến khi được thu hoạch, hộ gia đình có trăm triệu không phải là hiếm.

Những đổi thay từ trong ý thức của lãnh đạo xã và người dân Sa Lý như khẳng định cho một sức vươn mãnh liệt của mảnh đất gian khó nơi vùng cao này. Nhưng, để làm được điều đó Sa Lý cần hơn nữa động lực từ các cấp ngành cấp trên. Trước mắt, đó là một con đường nối xã với các vùng kinh tế lân cận, là kiến thức, là khoa học kỹ thuật, giống, vốn... Ðó sẽ là tiền đề cho Sa Lý "ốc đảo" giữa rừng già vươn lên.