Một tin vui đầu năm 2023 đối với giới họa sĩ mầu nước nói riêng và cộng đồng yêu hội họa Việt Nam nói chung là họa sĩ Nguyễn Toán (sinh năm 1986) vừa giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi mầu nước quốc tế lần thứ 14 do tạp chí mầu nước uy tín thế giới Watercolor Artist tổ chức hằng năm tại Mỹ. Tác phẩm tranh mầu nước của họa sĩ Việt Nam đã vượt qua gần 2.000 tác phẩm của hàng nghìn họa sĩ chuyên nghiệp từ nhiều quốc gia, trong đó có những “cường quốc” mầu nước như Trung Quốc, Mỹ, Pháp… bởi sự nổi bật trong phương pháp nghệ thuật, xử lý chất liệu, yếu tố thiết kế và sáng tạo gây ấn tượng mạnh tới người xem.
Nguyễn Toán là một thành viên của nhóm họa sĩ Hiện Thực và là người duy nhất vẽ mầu nước. Anh bén duyên với mầu nước từ khi còn là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp và theo đuổi chất liệu này vì yêu thích sự trong suốt, tính dẫn, sự khó kiểm soát thường tạo ra những hiệu ứng bất ngờ. Họa sĩ chia sẻ rằng có rất nhiều cách thể hiện với mầu nước, chẳng hạn đôi lúc anh kết hợp mầu nước với phấn và chì.
Trong nền mỹ thuật Việt Nam, mầu nước từng có thời gian khá dài lép vế trước sơn dầu, sơn mài, acrylic... Mầu nước có thể vẽ trực tiếp và vẽ nhanh ngoài trời cho nên thường được dùng cho ghi chép hoặc ký họa, phác họa phục vụ sáng tác với chất liệu khác. Ngoài ra, tranh mầu nước cũng khá phổ biến để minh họa cho sách văn học hoặc tài liệu nghiên cứu.
Theo họa sĩ Hồ Hưng (sinh năm 1980), thành viên sáng lập diễn đàn Vietnam Watercolor Art và Câu lạc bộ Mầu nước Sài Gòn, trước đây, các nhà sưu tập trong nước hầu như không chú ý đến tranh mầu nước, các họa sĩ mầu nước thường chỉ bán tranh cho đối tác nước ngoài. Sự kiện dành cho dòng tranh này cũng khá hiếm. Tuy nhiên, nếu lấy mốc từ khi gia nhập Hiệp hội tranh mầu nước quốc tế (IWS) từ năm 2014 đến nay, tranh mầu nước Việt Nam đã có chỗ đứng trong khu vực và trên thế giới, quy tụ được một cộng đồng đông đảo họa sĩ và người yêu tranh. Các họa sĩ Việt Nam đã tham gia nhiều triển lãm tại Canada, Italia, Thái Lan, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Indonesia... cũng như đoạt các giải thưởng, danh hiệu quốc tế. Có thể kể đến một số tên tuổi họa sĩ nổi bật của mầu nước đương đại như: Bùi Duy Khánh, Nguyễn Ngọc Quân, Trương Văn Ngọc, Hồ Hưng, Bảo Huỳnh, Đoàn Quốc, Lương Bình, Văn Lâm, Quang Tiến...
Để bắt kịp xu thế mỹ thuật hiện đại, nhiều tác phẩm mầu nước kỳ công, kích thước lớn ra đời với chủ đề và kỹ thuật độc đáo, cho thấy sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi liên tục của các họa sĩ. Với tính tiện dụng và khả năng biến hóa mầu sắc, tranh mầu nước kích thích nhiều họa sĩ tiếp tục khám phá, thể nghiệm các kỹ thuật phức tạp như kỹ thuật vảy mầu, chồng mầu, gõ mầu… Về phong cách, không chỉ có tác phẩm hiện thực mà nhiều tác phẩm trừu tượng, bán trừu tượng cũng xuất hiện.
Chẳng hạn như tranh hoa sen của họa sĩ Trương Văn Ngọc (sinh năm 1990). Tác giả ghi dấu ấn với loạt tranh mầu nước vẽ hoa sen nhưng không miêu tả chi tiết dáng hình cụ thể mà khắc họa trạng thái, dấu hiệu của sen bằng những biến hóa trong khoảng trống và chuyển mầu.
Mặt khác, phong trào dạy và học vẽ phát triển mạnh ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mang mầu nước đến gần hơn với số đông. Kỹ thuật vẽ mầu nước cơ bản dễ tiếp cận, dụng cụ học vẽ cũng đơn giản và gọn gàng cho nên từ dân văn phòng, nội trợ, sinh viên... đều có thể tham gia để làm quen với hội họa. Các lớp học vẽ dành cho người không chuyên tuy mang tính giải trí nhiều hơn, nhưng cũng góp phần bồi đắp kiến thức, tư duy thẩm mỹ cho học viên.
Một số câu lạc bộ, hội nhóm trực tuyến duy trì họat động đi ký họa thường xuyên, giúp các nghệ sĩ của nhiều thế hệ kết nối với nhau, tạo điều kiện cho những tay cọ tài năng theo đuổi đam mê. Từ năm 2021 đến nay, các triển lãm mầu nước trong nước được tổ chức thường xuyên hơn, kể cả khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sự xuất hiện của các triển lãm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam cũng tạo điều kiện cho họa sĩ trong nước trao đổi, học hỏi, có thể kể đến như:
Triển lãm quốc tế “Nghệ thuật và hòa bình” (2021) với sự tham gia của 60 họa sĩ từ 17 quốc gia, triển lãm “Mầu nước quốc tế mùa thu” với 90 tác phẩm từ 42 quốc gia, triển lãm “Côn Đảo - di tích và danh thắng” (2021), triển lãm “Hội ngộ sắc mầu” (2022) quy tụ 20 họa sĩ Việt Nam trên cả nước và một số sống ở nước ngoài, triển lãm “Xuân” (2022) giới thiệu tranh mầu nước của nhiều tác giả trẻ...
Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm tranh mầu nước vào tháng 4/2022 và lần đầu tiên trao giải thưởng mỹ thuật riêng cho thể loại này, thu hút hơn 300 tác phẩm tham dự. Mới nhất, triển lãm “Ngày nắng” của họa sĩ Nguyễn Hồng Quân (sinh năm 1957) diễn ra ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mang đến người xem 60 bức tranh mầu nước vẽ thiên nhiên và con người miền Tây Nam Bộ mộc mạc, hiền hòa mà cũng đầy sức sống.
Thời gian qua, một số triển lãm tranh mầu nước của nghệ sĩ gốc Việt cũng gây chú ý, như triển lãm của họa sĩ Minh Đàm (tên thật Đàm Truyền Minh) - một họa sĩ mầu nước có tên tuổi tại Ba Lan; hai triển lãm cá nhân “Nhà” và “Giấc mơ” của họa sĩ Vincent Monluc (người Pháp gốc Việt).
Có thể nhận thấy rõ ở các tác phẩm của họ là sự giao thoa và hòa quyện nhuần nhuyễn giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, với cách thể hiện phóng khoáng, hiện đại những chủ đề trữ tình và ẩn chứa nhiều chi tiết về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Họa sĩ Vincent Monluc trở về Việt Nam từ năm 2020 và dành nhiều thời gian đi khắp mọi miền đất nước để ghi lại phong cảnh, đời sống bằng tranh mầu nước, từ Thủ đô Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, từ các tỉnh miền núi phía bắc cho đến duyên hải miền trung hay đại ngàn Tây Nguyên…
Trong năm 2023, nhiều hoạt động triển lãm, trại sáng tác tranh mầu nước sẽ tiếp tục được triển khai tổ chức tại nhiều địa điểm trên cả nước. Một số họa sĩ mầu nước cũng chia sẻ dự định sáng tác như đi nước ngoài học hỏi và tìm cảm hứng, thử nghiệm kỹ thuật mới, mở triển lãm cá nhân... Những tín hiệu đáng mừng đó khiến các nghệ sĩ và công chúng yêu dòng tranh này thêm niềm vui và động lực.