Sức sống của dòng nhạc dân gian

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Ưu tú Phan Thu Lan, ca sĩ, Phó trưởng khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội.

PV: Rõ ràng, khi người ta tuổi càng lớn, càng từng trải, thì lòng càng hướng về dân ca và dòng nhạc dân gian. Nhưng với giới trẻ thì không phải như vậy. Làm thế nào để  lòng họ thấm đượm hồn nước, hồn dân tộc?

NSƯT Phan Thu Lan: Trong đời một con người, không ai lại chưa từng được một lần nghe câu hát ru của bà, của mẹ hay một khúc dân ca quê nhà. Bắt nguồn từ đời sống của nhân dân, lắng đọng như trầm tích những vẻ đẹp sâu lắng của văn hóa từng vùng miền, dân ca Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Dân ca Việt Nam là một phần hồn cốt của con người Việt Nam.

Là người từng làm công tác biểu diễn, nghiên cứu và hiện đang giảng dạy về thanh nhạc trong đó có phần dân ca Việt Nam và những ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam, tôi đã thấy được giá trị to lớn cũng như ảnh hưởng của dòng âm nhạc dân gian tới đời sống công chúng như thế nào. Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay luôn tồn tại  và đan xen nhiều hình thức lưu truyền và gìn giữ dòng âm nhạc đó. Bên cạnh nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người yêu nhạc Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc với đủ các thành phần từ nông dân, trí thức, công nhân, bộ đội và cả các em học sinh, các cháu thiếu nhi... đều hát dân ca và ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam. 

PV: Những nghệ sĩ hát dân ca cũng đã già đi... Việc đào luyện, bổ sung có đang là một điều đáng lo lắng?

NSƯT Phan Thu Lan: Tôi đã từng được mời tham dự chấm thi một số hội diễn văn nghệ quần chúng tại Thủ đô Hà Nội. Ðiều khiến tôi bất ngờ và vô cùng thích thú chính là sự sáng tạo và tính hồn nhiên của các diễn viên khi biểu diễn. Tuy đa phần  khó đạt được sự tinh xảo trong kỹ thuật hát dân ca như độ vang, rền, nền, nảy, luyến láy, phát âm, nhả chữ thật mềm mại, tinh tế theo phương ngữ địa phương của làn điệu dân ca nhưng các diễn viên lại hát rất có tình, rất say sưa khiến khán giả thích thú.

Nhưng cũng có nhiều nghệ nhân hát thật sự xuất sắc mà một số ca sĩ chuyên nghiệp cũng khó theo kịp họ trong cách hát dân ca. Ðặc biệt những đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn, thị tứ vùng đồng bằng, khán giả rất thích nghe dân ca quan họ, dân ca bắc - trung - nam và chèo, tuồng, cải lương. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đã được hình thành trên cơ sở của sự say mê và lòng yêu thích các bộ môn âm nhạc dân tộc. Sân khấu làm cho con người thăng hoa, nghệ thuật thăng hoa và khán giả cũng thăng hoa! Ðó chính là sức mạnh to lớn của văn nghệ quần chúng mà tôi cảm nhận được mỗi khi  có dịp được dự hoặc làm giám khảo. Thời gian gần đây, có dịp được đến một số địa phương miền núi để giảng dạy và tập huấn, tôi lại được thấy đối với mỗi dân tộc, tài sản thiêng liêng mà cũng rất gần gũi đối với họ chính là dân ca.

Lên Lào Cai, tôi thấy trong phiên chợ, nam nữ thanh niên người dân tộc đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà chủ yếu để được hát, được múa khèn và mời nhau thưởng thức thắng cố, rượu ngô và hò hẹn tình yêu đôi lứa. Ðời sống tinh thần của họ thật phong phú. Chính âm nhạc (nói rộng ra là văn hóa) đã làm phong phú đời sống tinh thần của họ. Vào dịp đầu xuân, lên Lạng Sơn tôi cũng được chứng kiến nhiều sinh hoạt âm nhạc - văn hóa dân gian tương tự. Các chàng trai cô gái Nùng, Tày mặc những bộ trang phục đẹp nhất để đi chơi hội. Trong hội họ có thể gặp gỡ tâm tình hát giao duyên và tỏ tình. Nhiều lứa đôi đã nên chồng vợ từ những cuộc hát giao duyên... Có thể khẳng định âm nhạc dân gian (bao gồm dân ca, dân ca cải biên và ca khúc mang âm hưởng dân ca) đã và đang thật sự có sức sống rất lâu bền trong đời sống của nhân dân ta. Còn dân ca thì còn người hát và hát hay dân ca...

PV: Nhưng vẫn còn một vấn đề là làm thế nào để phát huy dòng nhạc dân gian hôm nay khi mà show diễn nhạc trẻ vẫn hấp dẫn hơn show diễn dân ca?

NSƯT Phan Thu Lan: Chúng ta đã có những nghệ sĩ đỉnh cao của dòng âm nhạc này và họ luôn được công chúng yêu mến. Ðó là NSND Thu Hiền, NSND Lê Dung (chị thành công ở cả hai phong cách thính phòng và dân gian), NSND Thanh Hoa, NSND Trung Ðức...

Tôi muốn nói nhiều đến sự thành công của NSND Thu Hiền trong dòng âm nhạc này. Có lẽ ít ai có thể hát hay đến thế dân ca các vùng miền trên đất nước ta từ Bắc Bộ, Trung du, miền Trung, Tây Nguyên đến Nam Bộ... Chị là nghệ sĩ không chỉ biểu diễn thành công trong nước mà còn đem dân ca Việt Nam đi biểu diễn ở nhiều nước. Ở đâu chị cũng được công chúng yêu mến và đón nhận nồng nhiệt.

Ngày nay dòng âm nhạc dân gian vẫn đang chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong tình cảm và đời sống tinh thần của công chúng. Vấn đề hát cho đúng nhưng còn phải hát cho hay các tác phẩm dân gian vẫn luôn là một thách thức cho các ca sĩ hiện nay. Trong các cuộc thi Tiếng hát truyền hình Giải Sao mai do Ðài THVN tổ chức, nhiều ca sĩ trẻ đã rất cố gắng để thể hiện. Gần đây có nhiều ca sĩ trẻ hát khá thành công dòng nhạc này được nhiều khán giả mến mộ như Vân Khánh, Hương Mơ, Tân Nhàn, Quang Hào, Thành Lê, Thu Huyền mà đặc biệt là ca sĩ - giảng viên Anh Thơ - được coi như đỉnh cao của phong cách dân gian hiện nay trong giới trẻ. Anh Thơ đã thành công với nhiều ca khúc mà trước đó nhiều nghệ sĩ thành danh đã hát. Hai album Tình em và Như ta có thể cho phép công chúng hy vọng ca sĩ Anh Thơ sẽ tiếp tục thành công ở dòng nhạc này. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay số lượng tác phẩm theo phong cách dân gian chiếm tỷ lệ rất ít trong sáng tác của các nhạc sĩ. Ðó là nỗi khổ của các thí sinh mỗi khi đi thi phải vất vả tìm tác phẩm. Ðó cũng là một khó khăn để các ca sĩ có điều kiện thể hiện tài năng nhiều hơn và cống hiến nhiều tác phẩm hay cho công chúng.

Có thể bạn quan tâm