Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 510/2023/QĐ-BXD công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận cấu thành công trình năm 2022. Suất vốn đầu tư đường cao tốc được tính toán theo tiêu chuẩn Việt Nam, bao gồm các chi phí xây dựng nền đường, mặt đường, hệ thống thoát nước, nút giao, các công trình hạng mục phụ trợ, cống chui dân sinh,...
Suất vốn đầu tư xây dựng công trình vừa công bố được tính toán theo mặt bằng giá của quý IV/2022. Suất vốn đầu tư công trình bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, một số khoản mục chi phí khác, và thuế giá trị gia tăng. Suất vốn đầu tư này chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, lãi vay đối với các dự án sử dụng vốn vay.
Suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố sẽ là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có liên quan lập dự án và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước.
Từng bước hoàn thành mục tiêu 5.000km đường cao tốc
Theo đó, chi phí để xây dựng 1km đường ô-tô cao tốc 4 làn xe trung bình 186,1 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 170,6 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 4,2 tỷ đồng. Nếu loại trừ chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu, thì chi phí đầu tư xây dựng 1km cao tốc khoảng 143,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 132,2 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 4,2 tỷ đồng.
Bên cạnh suất vốn đầu tư xây dựng đường ô-tô nền đường rộng 31-32,5m, mặt đường rộng 22,5m, sẽ dao động khoảng từ 63,1 đến 75,9 tỷ đồng.
Đường cấp 2 khu vực đồng bằng, mặt đường rộng 22,5m, chi phí đầu tư xây dựng 46-54,7 tỷ đồng/km.
Ngoài suất vốn đầu tư bình quân để xây dựng 1km đường ô-tô cao tốc, đường ô-tô thông thường, Bộ Xây dựng cũng công bố hệ số điều chỉnh khi xây dựng cao tốc ở các vùng, khu vực khác nhau trên cả nước.
Theo đó, chi phí xây dựng đường cao tốc tại vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên đắt hơn các vùng còn lại như Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, khu vực miền trung, trung du miền núi phía bắc.