Tuy nhiên, hiện dự án thành phần đang gặp vướng mắc lớn về nguồn cung vật liệu đất đắp (khoảng 920.000m3), nếu không được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương có biện pháp giải quyết dứt điểm nguồn cung ngay trong tháng 3 này, dự án sẽ đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ, không thể “về đích” đúng theo mục tiêu đề ra.
Thời gian cấp mới mỏ mất hơn 6 tháng
Sang nửa cuối tháng 3, trên công trường gói thầu XL4 dự án cao tốc bắc-nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, hàng trăm công nhân luân phiên nhau vận hành dây chuyền thi công “3 ca, 4 kíp” để kịp hoàn thành khối lượng công việc còn lại. Đảm nhận thi công hơn 35km đường và 18 cầu của gói thầu, ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc
điều hành thuộc nhà thầu Vinaconex cho hay, đến nay, sản lượng thi công của đơn vị đạt gần 80% giá trị hợp đồng. Nhà thầu đang triển khai thảm lớp bê-tông nhựa C12,5 đang đáp ứng tiến độ yêu cầu, phấn đấu đưa tuyến chính vào khai thác trước ngày 30/4 tới.
Việc thi công tuyến chính khá suôn sẻ, nhưng tiến độ các hạng mục đường gom, cầu vượt ngang chưa đạt được kỳ vọng đang khiến tâm trạng lãnh đạo nhà thầu Vinaconex như “kiến bò chảo nóng”, trong khi việc gia hạn các mỏ đất đắp theo cơ chế đặc thù vẫn chưa được chấp thuận. Ước tính, khối lượng đắp tại gói thầu vẫn thiếu hơn 400.000m3 đất rời.
Trong thời gian chờ thủ tục gia hạn cấp phép khai thác đất tại các mỏ Sông Thiêng, Phú Thái, Lâm Giang theo cơ chế đặc thù, để duy trì thi công, nhà thầu buộc phải lặn lội đến các mỏ thương mại xa hơn để mua đất.
Tại thời điểm bỏ thầu, giá vật liệu đất đắp ở vị trí xa nhất hơn 150.000 đồng/m3 nhưng hiện tại, giá đất ở các mỏ Chóp Vung, Sa Phát (cách công trường khoảng 30km) đến chân công trình vượt qua ngưỡng 200.000 đồng/m3. Với khối lượng huy động hơn 150.000m3 đất từ các mỏ thương mại thời gian qua, nhà thầu lỗ khoảng 30 tỷ đồng so với giá bỏ thầu. Năng lực máy móc, thiết bị nhà thầu huy động tại hiện trường có thể lu lèn được 12.000m3/ngày nhưng do cung vận chuyển xa, lượng đất chỉ đạt 4.000-5.000m3/ngày, đã khiến khoảng 70% số lượng máy móc, thiết bị, lực lượng nhân công “nằm chơi”, tiền khấu hao nhà thầu phải bỏ ra khoảng 600 triệu đồng/ngày.
Trong khi đó, 14 cầu vượt ngang thuộc gói thầu XL4 cũng thiếu hơn 70.000m3 đất đắp. Điều kiện tiên quyết để đáp ứng các mốc tiến độ là việc gia hạn khai thác cho các mỏ theo cơ chế đặc thù phải hoàn thành trong tháng 3 này.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép các nhà thầu thi công dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết tiếp tục khai thác vật liệu đất đắp trong phạm vi trữ lượng các mỏ được cấp phép để thi công các gói thầu đến khi hoàn thành dự án; giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, bảo đảm không gián đoạn việc khai thác vật liệu đất đắp tại các mỏ đã được cấp.
Tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó để tiếp tục cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường); yêu cầu nhà thầu điều chỉnh tiến độ đầu tư khai thác khoáng sản cho phù hợp thời gian cấp lại giấy phép.
Trên cơ sở Nghị quyết này, Bộ Giao thông vận tải đã trực tiếp làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành, đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận để triển khai các thủ tục nhằm tiếp tục khai thác các mỏ đất đã cấp cho dự án.
Tuy nhiên, phía tỉnh Bình Thuận nhận định, theo quy định của Luật Khoáng sản, thủ tục cấp lại giấy phép cũng tương tự như cấp mới, chỉ được rút ngắn 2 bước trong quy trình. Các đơn vị vẫn phải thực hiện đủ 11 bước, thành phần hồ sơ phải có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, trong khi hiện nay, trữ lượng khoáng sản còn lại chưa được phê duyệt.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông và các địa phương liên quan, nếu thực hiện đúng 11 bước để cấp lại mỏ, thời gian nhanh nhất đến khi được cấp phép vật liệu đất đắp sẽ mất khoảng 6 tháng và như vậy dự án đương nhiên không thể đáp ứng tiến độ hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến độ thi công các hạng mục đường gom, cầu vượt ngang thuộc |
Kiến nghị cơ chế đặc thù cho vật liệu đất đắp
Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài hơn 100km, đi qua tỉnh Bình Thuận có tổng mức đầu tư gần 11 nghìn tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án đầu tư xây dựng theo quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe. Dự án được khởi công từ cuối tháng 9/2020 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động giá cả vật liệu và thời tiết năm 2021-2022 mưa lớn kéo dài, dự án phải lùi thời gian hoàn thành đến ngày 30/4/2023.
Với khối lượng thi công tương đối lớn, thời gian còn lại không nhiều, nếu trong tháng 3 này, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và địa phương có phương án khả thi cho phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp để nhà thầu tăng tốc thi công “3 ca, 4 kíp” thì dự án mới kịp hoàn thành đúng yêu cầu.
Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho biết, do chưa được gia hạn khai thác mỏ, hơn 3 tháng nay (từ ngày 10/12/2022 trở lại đây), toàn bộ máy móc, thiết bị cùng hàng trăm nhân lực của các nhà thầu đã huy động về công trường phải nằm chờ do không có vật liệu đất đắp để thi công, gây lãng phí lớn, tính toán sơ bộ khấu hao máy móc, tiền lương chi trả nhân công lên tới gần 30 tỷ đồng.
“Trước tình trạng này, các nhà thầu đã khảo sát, tìm được mỏ đất nhưng cách dự án gần 40km, giá mua tại mỏ đội lên 80.000 đồng/m3 (giá đất khi đấu thầu chỉ 45.000 đồng/m3), cộng thêm giá vận chuyển khoảng 120.000 đồng/m3. Đơn giá, định mức thi công của nhà thầu quá thấp, càng làm càng lỗ cho nên không thể tiếp tục mua vật liệu đất cao hơn giá đấu thầu tới hơn 4 lần. Do đó, các nhà thầu mong Chính phủ, các bộ, ngành sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm để dự án về đích đúng tiến độ đề ra”, ông Phạm Quốc Huy kiến nghị.
Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết với cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp cho đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Theo đó, với các mỏ áp dụng cơ chế đặc thù cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho dự án đường cao tốc bắc-nam đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng (theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ), tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có đường đi qua căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ cho phép nhà thầu tiếp tục khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo trữ lượng ghi trong giấy phép đã cấp. Sau khi kết thúc khai thác, các nhà thầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.
Tại khoản 1, Điều 80 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ cũng nêu rõ: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản”. Như vậy, Chính phủ có quyền cho phép tiếp tục khai thác để cung cấp cho dự án quan trọng quốc gia. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết cho phép tiếp tục tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ xây dựng đường cao tốc bắc-nam.
Dự án đang đòi hỏi cấp thiết được Chính phủ cho phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp ngay trong tháng 3 này mới có thể kịp hoàn thành, đưa vào khai thác trong dịp 30/4 tới đây. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã cam kết sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu, phối hợp các địa phương liên quan giám sát chặt chẽ, bảo đảm việc khai thác đất đắp tại các mỏ chỉ được sử dụng để thi công các gói thầu của dự án.