Tập trung tổng lực cho dự án trọng điểm đường cao tốc bắc-nam

Chỉ còn 20 ngày nữa, ba dự án Mai Sơn-QL45, Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết sẽ chính thức được đưa vào khai thác, nối tiếp cho giấc mơ một dải cao tốc xuyên suốt dọc dài đất nước từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau. Cùng với đó, toàn ngành giao thông và các địa phương cũng đang nỗ lực tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ 12 dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân thi công thảm nhựa đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: BÁO BÌNH THUẬN
Công nhân thi công thảm nhựa đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: BÁO BÌNH THUẬN

“Ba ca, bốn kíp” ngày đêm thi công

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã đề ra, các ban quản lý dự án và các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác ba dự án Mai Sơn-QL45, Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết vào ngày 30/4/2023. Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết: Tại dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Dầu Giây-Phan Thiết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành toàn bộ tuyến chính để bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trước 30/4. Riêng hệ thống đường gom, do thiếu đất đắp (Vĩnh Hảo - Phan Thiết 920.000m3, Phan Thiết-Dầu Giây 620.000m3) nên hệ thống đường gom sẽ hoàn thành sau chứ không làm ảnh hưởng đến thời gian đưa vào khai thác tuyến chính.

Ban quản lý dự án 7, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi được UBND tỉnh Bình Thuận cho phép gia hạn sử dụng các mỏ vật liệu san lấp để thi công tiếp các hạng mục còn lại của công trình, các đơn vị thi công đang huy động gần 3.000 công nhân và gần 2.000 máy móc, thiết bị, chia làm ba ca, bốn kíp làm việc ngày đêm để thi công gấp rút cho kịp tiến độ. Ngoài việc thảm nhựa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, biển báo an toàn, các công nhân đang tập trung cao độ thi công các vị trí đường ngang, nút giao quan trọng.

Thường trực có mặt trên công trường để kịp thời giám sát, trao đổi và giải quyết vướng mắc cho đơn vị thi công, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho biết: Dự án đã hoàn thành được hơn 81% khối lượng công việc. Ngoài sự nỗ lực của nhà thầu, các đơn vị chủ thể liên quan, ban điều hành chúng tôi cũng tăng cường nhân sự ở hiện trường để giải quyết hồ sơ cho các nhà thầu, đặc biệt đẩy nhanh công tác giải ngân. Chúng tôi đặt mục tiêu trong tháng 4 này sẽ tăng 200% khối lượng giải ngân đã đăng ký với Bộ Giao thông vận tải.

Tại công trình đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cho gia hạn tiếp năm mỏ vật liệu san lấp để thi công công trình, các đơn vị thi công cũng đang tập trung tối đa công nhân, máy móc, thiết bị để thi công các vị trí đường ngang, nút giao quan trọng. Với gói thầu XL02, dự án Phan Thiết-Dầu Giây, các mũi thi công cũng đang được liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng giao thông Phương Thành và Tập đoàn Cienco 4 duy trì không kể ngày đêm. Ông Trần Bá Luân, chỉ huy trưởng gói thầu XL02 dự án Phan Thiết-Dầu Giây cho biết: Nhà thầu đang tập trung thực hiện ba ca, bốn kíp để triển khai thi công. Sản lượng đã đạt gần 90% tổng giá trị thực hiện dự án.

Tháo gỡ khó khăn giai đoạn 2

Tiếp sau các dự án cuối cùng của giai đoạn 1 lần lượt về đích, 12 dự án thành phần của đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2 (2021-2025) cũng đang được tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.

Một trong những vướng mắc lớn tại các dự án hiện nay là việc thiếu hụt nguồn đất đắp. Về vấn đề này, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, 16/25 gói thầu đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng,… khai thác mỏ vật liệu xây dựng và triển khai công tác thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ. Còn lại, 5/25 gói thầu tự cân bằng đào đắp (đoạn Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh và gói 13-XL đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh). Riêng đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ, mới đây, tỉnh Quảng Trị đã bổ sung 5 mỏ đất làm vật liệu san lấp với diện tích gần 90ha, tài nguyên dự báo 4,15 triệu m3 vào quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, có hai mỏ đất nhằm bảo đảm phục vụ xây dựng Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ.

Dù công tác huy động nguồn lực cho công trường đang được các nhà thầu rốt ráo thực hiện, song, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng vẫn bày tỏ sự lo lắng khi khối lượng công việc thực hiện còn thấp. Đặc biệt khối lượng thi công chủ yếu mới chỉ ở các công tác đào bóc hữu cơ, thi công đường công vụ, cọc khoan nhồi… với tổng sản lượng thi công thực tế chưa cao. Chính vì vậy, trong tổng số vốn hơn 45.000 tỷ đồng được Bộ Giao thông vận tải giao năm 2023, tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện đã giải ngân 1.699 tỷ đồng (đạt gần 12%); Công tác xây lắp đã giải ngân 5.679 tỷ đồng (đạt hơn 19%); Công tác tư vấn, quản lý dự án đã giải ngân 214 tỷ đồng (đạt gần 17%).

Đặc biệt, dù các địa phương đã bàn giao hơn 577km, đạt 80% tổng diện tích giải phóng mặt bằng cho dự án nhưng diện tích có thể thi công được lại thấp hơn rất nhiều. Nguyên nhân được nêu ra chủ yếu do người dân chưa cho thi công vì chưa nhận tiền đền bù, chưa thống nhất giá đất ở, chưa có nhà tái định cư. Một số đoạn nhà thầu không tiếp cận được công trường do phải đi qua phần đất chưa giải phóng mặt bằng, mặt bằng bàn giao bị “xôi đỗ”. Đây là vấn đề cần các địa phương rốt ráo vào cuộc để bảo đảm tiến độ giai đoạn 2 của giấc mơ “đường cao tốc liền dải bắc-nam”.