Sửa mặt cầu Thăng Long từ ngày 8-8

NDO -

Ngày 20-7, Tổng Cục đường bộ Việt Nam thông báo, bắt đầu từ ngày 8-8-2020, sẽ chính thức cấm xe lưu thông trên cầu Thăng Long để sửa mặt đường, thời gian hoàn thành dự kiến trong 150 ngày.

Mặt đường Cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: HIẾU HẢI)
Mặt đường Cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: HIẾU HẢI)

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long với tổng kinh phí 270 tỷ đồng (trước đó, vào các năm 2013 - 2014, theo phương án của Tư vấn KEI (Nhật Bản) thì kinh phí sửa chữa mặt cầu Thăng Long là 313 tỷ đồng).

Nguồn vốn đầu tư sửa chữa sẽ trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.

Dự án thi công do liên danh nhà thầu Thành Hưng-Vĩnh Hưng- Phương Thành-Thuận An. Thời gian ký hợp đồng thi công xây dựng từ ngày 20-7-2020.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết: Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia đi đến thống nhất phải gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ.

"Công nghệ này được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu hai năm nay, trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng. Công nghệ này mới với Việt Nam nhưng đã được nhiều nước áp dụng thành công”, ông Huyện cho biết thêm, Tổng cục sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia của Việt Nam giám sát quá trình thi công.

Chính thức sửa mặt cầu Thăng Long bắt đầu từ ngày 8-8 -0
Mẫu bê-tông siêu tính năng có cường độ chịu nén tối thiểu bằng 120MPa, chiều dày tối thiểu 6cm (Ảnh: HIẾU HẢI)

Theo ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Quản lý xây dựng đường bộ (TCĐB), giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ cào bóc sạch lớp bê-tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, hàn các đinh neo thép vào bản thép mặt cầu. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lưới thép, đổ một lớp bê-tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao dày 6cm, cuối cùng sẽ phủ nhựa tạo nhám mặt cầu.

Cùng với đó, thay khe co giãn đã hư hỏng, để khi sửa xong sẽ tăng khả năng chịu lực, bảo đảm mặt cầu có tuổi thọ hơn 10 năm.

Phương án cụ thể như sau: Cào bóc lớp bê-tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; Hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10; Rải lớp bê-tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén tối thiểu bằng 120MPa, chịu kéo ≥ 7,0MPa, chiều dày tối thiểu 6cm; Thảm bê-tông nhựa polyme BTNP 12,5 dày 4,0cm; Thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; Sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông... 
Hiện tại, để sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng Cục ĐBVN đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội để thực hiện công tác phân luồng bảo đảm giao thông. 

Cụ thể như, thực hiện công tác cắm biển báo, công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 20-7-2020 và tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28-7-2020 đến 8-8-2020. Chính thức cấm cầu từ ngày 8-8-2020.

Theo phương án phân luồng, các phương tiện sẽ bị cấm lưu thông trong thời gian thi công cầu Thăng Long, các phương tiện đi/đến Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… sẽ lưu thông qua cầu Vĩnh Thịnh. Các phương tiện đi/đến Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương… sẽ lưu thông qua cầu Thanh Trì (vành đai 3).

Về phân luồng từ xa, phương tiện từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc sẽ lưu thông qua cầu Hưng Hà sang Quốc lộ 5 (hoặc cao tốc Hà Nội-Hải Phòng); hoặc qua cầu Thanh Trì để sang Quốc lộ 5.

Xe khách chạy xuyên tâm qua Hà Nội (chạy trên đường vành đai 3 và cầu Thăng Long), có thể lựa chọn đi cầu Thanh Trì, Hưng Hà, Vĩnh Thịnh. Sẽ có văn bản gửi các hiệp hội vận tải, doanh nghiệp và cắm biển chỉ dẫn từ xa... Riêng khu vực nội thành Hà Nội, có 15 tuyến xe buýt với hơn 10.000 lượt qua cầu Thăng Long mỗi ngày sẽ được phân luồng sang hướng cầu Nhật Tân và ngược lại.

Cũng theo Cục Quản lý xây dựng đường bộ, thời gian thực hiện các công tác chuẩn bị như huy động vật liệu, nhân lực, thiết bị thi công; thực hiện các thí nghiệm vật liệu bắt đầu từ 23-7-2020 đến 8-8-2020. Triển khai thi công trên mặt cầu bắt đầu từ 8-8-2020 và dự kiến sẽ hoàn thành trong Quý IV/2020.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11-1974 và hoàn thành vào tháng 5-1985 với các thông số kỹ thuật chính: Cầu vượt sông dài 1.680m, gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành năm liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp nhân ba nhịp. Cầu gồm hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ.

Sau một thời gian khai thác phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng với đặc điểm kết cấu phức tạp mặt cầu, đồng thời phải chịu tải trọng xe chạy trên cầu, tải trọng tàu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ... tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn, và theo các phương khác nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai III là hết sức cần thiết và cấp bách.