Với thời lượng 90 phút, vở Phù thủy đại chiến bao gồm ba phần nội dung: Xứ sở ánh sáng kỳ diệu, Cuộc chiến cam go và Khải hoàn chiến thắng; tái hiện cuộc chiến cam go giữa đội quân ánh sáng và thế lực bóng tối đại diện là Phù thủy ánh sáng và Phù thủy bóng đêm. Qua đó, vở diễn chuyển tải thông điệp nhân văn về sự chiến thắng của sự sống, lẽ phải, khơi dậy ý thức cần bảo vệ cái thiện, bảo vệ môi trường sống...
Ðây là lần đầu Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng một vở diễn có sự kết hợp giữa xiếc và ảo thuật với một nội dung xuyên suốt chương trình. Vở diễn huy động sự tham gia trình diễn của khoảng 40 diễn viên, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng của Liên đoàn đã từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Thanh Tuấn, Thu Hương, Hải Quân, Hà Bình..., cùng sự góp mặt của những ảo thuật gia tài năng, nhất là sự cộng tác của ảo thuật gia J (tên thật: Nguyễn Việt Hoàng - Quán quân chương trình Ảo thuật siêu phàm năm 2018). Chính vì thế, vở Phù thủy đại chiến thật sự là cuộc tung hứng đầy hấp dẫn giữa những kỹ thuật xiếc có độ khó cao như: đu dây trên cao, thăng bằng trên thang, đế trụ xoay, nhào lộn trên không, lắc vòng... và những trò diễn ảo thuật ngoạn mục như: làm xuất hiện và biến mất người, di chuyển người, ném lửa, xuyên vòng, biến hóa chim...
Bên cạnh đó là các tiết mục xiếc thú đặc sắc như: xiếc lợn, xiếc khỉ, trăn..., đi cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khói, lửa đã mang đến những khung cảnh huyền bí, ấn tượng với những phần trình diễn độc đáo, hấp dẫn, mang tính giải trí cao.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng là người đảm nhận vai trò viết kịch bản kiêm dàn dựng vở diễn cho biết: Ảo thuật đã từng được đưa lên sân khấu xiếc nhưng lâu nay chỉ tồn tại dưới dạng các tiết mục đơn lẻ. Với vở diễn này, ê-kíp sáng tạo muốn nâng sự kết hợp lên một tầm mới mang quy mô và tính nghệ thuật cao hơn. Sân khấu của Rạp xiếc T.Ư là sân khấu tròn, phù hợp để trình diễn xiếc, nhưng lại là thách thức đối với ảo thuật bởi nếu không khéo sẽ làm lộ những thao tác, thủ thuật khi trình diễn. Do đó, ê-kíp sáng tạo đã phải nghiên cứu, lựa chọn kỹ càng để mang đến những trò diễn đủ sức làm bất ngờ khán giả.
Phù thủy đại chiến còn đánh dấu sự xuất hiện lần đầu của sân khấu đa tầng trong rạp xiếc với ba loại không gian khác nhau. Ở chính giữa sân khấu tròn là sân khấu vuông cao 1,2 m, rộng gần 40 m2. Ðây là sân khấu trung tâm được bài trí như một sàn thi đấu để thi triển những phép thuật biến hóa của các phù thủy. Sân khấu phụ phía sau dành cho các phần diễn trên cao như đu dây, đu bay của các nghệ sĩ. Cách bài trí này không những tạo độ sâu về mặt thị giác cho không gian mà còn tăng tính đa dạng cho sân khấu, phù hợp để biểu diễn cùng lúc nhiều trò diễn, nhiều loại hình nghệ thuật.
Theo dõi vở diễn, người xem ấn tượng phần trình diễn mạo hiểm và sáng tạo của nghệ sĩ xiếc Thu Hương với con trăn khổng lồ trong một bể nước kính hình lục giác. Trên thế giới, tiết mục này đã từng được đưa vào biểu diễn nhưng với sân khấu xiếc Việt Nam thì đây là lần đầu. Qua đó, phần trình diễn thể hiện vẻ đẹp của ngọn lửa đam mê và lòng can đảm của nghệ sĩ xiếc để chinh phục, vượt qua thách thức. Phần giao đấu của các phù thủy với những chiếc kiếm được điều khiển bay lơ lửng trong không trung, vũ điệu vui nhộn của những bộ xương cũng mang đến những cảm xúc thú vị cho khán giả...
NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: "Các chương trình theo kiểu "xếp hàng" tiết mục ra trình diễn đã quá cũ, chúng tôi muốn xiếc phải trở thành chương trình giải trí chất lượng cao khi kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác như ảo thuật, múa, nhảy hiện đại. Thời gian tới, Liên đoàn Xiếc sẽ tích cực phối hợp với nhiều cộng tác viên ở những loại hình khác nhau để làm mới, làm phong phú cho ngôn ngữ xiếc".