Sự thật đằng sau clip "cô bé dũng cảm đối đầu với lính Nga"

NDO -

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thông tin sai sự thật về căng thẳng giữa hai nước liên tục xuất hiện trên internet. Một clip được cho là ghi lại hình ảnh một bé gái đang đối mặt với binh sĩ của quân đội Nga đang được chia sẻ trên mạng xã hội.

Sự thật đằng sau clip "cô bé dũng cảm đối đầu với lính Nga"

Thông tin lan truyền

Gần đây, clip về phản ứng của một cô bé trước một binh sĩ đã xuất hiện trên mạng xã hội. Ngày 27/2, tổ chức truyền thông FR News Now chia sẻ clip này lên Twitter cùng chú thích: "Trở về đất nước của ông đi": Bé gái dũng cảm đối đầu với quân đội của ông Putin. Dòng chú thích này còn có các hashtag bày tỏ ủng hộ Ukraine. 

Kiểm chứng thông tin

Theo trang Indy100.com, cô bé trong clip này là Ahed Tamimi, người Palestine. Tamimi vừa nói tiếng Arab, vừa giơ nắm đấm vào binh sĩ Israel năm 2012.

Cô bé lần đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi mới 11 tuổi. Tamimi đã giơ nắm đấm vào một binh sĩ để đòi biết người anh em trai của cô bé đang ở đâu.

Hình ảnh này đã được quay lại và nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó - ông Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan đã mời Tamimi tới thăm đất nước của ông. 

Sự thật đằng sau clip

Ảnh tư liệu của AP: Ngày 2/11/2012, Ahed Tamimi tìm cách đấm một binh sĩ Israel trong cuộc biểu tình tại Nabi Saleh.

Khoảng 5 năm sau, khi 16 tuổi, Tamimi đã tát một binh sĩ Israel ngay tại làng của cô. Sau đó, cô bé phải vào trong nhà tù của Israel 8 tháng và nhanh chóng trở thành một biểu tượng về sự phản kháng của người Palestine. 

Sau khi xem clip do FR News Now chia sẻ, nhiều người dùng Twitter đã sớm phản hồi về thông tin gây hiểu lầm mà tổ chức này lan truyền. Twitter cũng cảnh báo người dùng về clip này.  

Một người dùng bình luận, hình ảnh trong clip là bé gái Palestine và binh sĩ Israel. "Thế giới đang đói sự thật", tài khoản này chia sẻ.

Một người dùng khác kêu gọi mọi người ngừng lan truyền tin giả. Trong khi đó, một tài khoản khác chỉ ra clip này được quay trên sa mạc và cô bé này nói tiếng Arab.

Khẳng định

Clip "cô bé dũng cảm đối đầu với lính Nga" trên thực tế là hình ảnh cô bé Ahed Tamimi, người Palestine và một binh sĩ Israel vào năm 2012.

Tin giả về căng thẳng Nga-Ukraine đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và công chúng nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine