Chuyến thăm của Tổng thống Macron diễn ra trong bối cảnh Đức kỷ niệm 75 năm Hiến pháp hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mặc dù Tổng thống Macron thường xuyên tới Berlin, song lần công du này là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Pháp tới Đức trong 24 năm kể từ khi cựu Tổng thống Jacques Chirac đến Đức vào năm 2000.
Là hai nền kinh tế lớn nhất EU, Đức và Pháp từ lâu đã được coi là động lực của hội nhập châu Âu mặc dù giữa hai nước vẫn có những khác biệt về chính sách và một số vấn đề. Cụ thể, Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có phong cách lãnh đạo rất khác nhau và đã công khai xung đột về các vấn đề từ quốc phòng đến năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường, cho phép EU đạt được các thỏa thuận và thể hiện một mặt trận đoàn kết hơn.
Trong thời gian qua, Pháp và Đức bất đồng về một số vấn đề, từ chiến lược quốc phòng của khối đến phản ứng của khối này trước cuộc khủng hoảng năng lượng, và thậm chí cả chính sách tài chính. Chuyến thăm Đức lần này của nhà lãnh đạo Pháp diễn ra sau một vài tháng biến động khi căng thẳng giữa ông Macron và ông Scholz bị đẩy lên cao liên quan đến tranh cãi về cách thức tốt nhất để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Bất chấp những quan điểm khác biệt, Thủ tướng Olaf Scholz gần đây nói rằng ông và ông Macron có “mối quan hệ cá nhân rất tốt” thể hiện qua việc họ thường xuyên tham vấn. Ông Scholz nói: “Sức mạnh của sự hợp tác đặc biệt đến từ việc chúng tôi thực hiện điều này ngay cả khi cả hai nước có quan điểm khác nhau về các vấn đề riêng rẽ”. Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại tổ chức tư vấn Eurasia Group Mujtaba Rahman cho biết, chuyến thăm là một nỗ lực ở cấp độ chính trị cao nhất để chứng minh rằng mối quan hệ đang tiến triển tích cực. Tuy nhiên, ông Rahman vẫn cho rằng vẫn còn những khoảng trống cơ bản về những vấn đề lớn đang rình rập EU.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Macron, ngoài việc tham dự các sự kiện kỷ niệm đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Đức thời hậu chiến tại Berlin, hai nhà lãnh đạo cũng tới thành phố Dresden và Muenster ở miền Tây nước Đức, thăm các địa điểm mà hai nước hợp tác về đổi mới công nghệ hoặc an ninh. Tuy nhiên, chương trình đáng chú ý nhất là cuộc họp liên chính phủ, được đánh giá là cơ hội lớn để hai bên tìm kiếm sự đồng thuận về năng lực quốc phòng và khả năng cạnh tranh.
Một trong những khoảng trống mà châu Âu phải đối mặt hiện nay là khả năng phòng thủ. Là quốc gia có vũ khí hạt nhân, Pháp thúc đẩy châu Âu tự chủ hơn về các vấn đề quốc phòng, không đồng tình trước quyết định của Đức mua phần lớn thiết bị của Mỹ nhằm tạo ra “lá chắn phòng không” theo Sáng kiến Sky Shield của châu Âu. Còn Đức thì kiên quyết cho rằng không có giải pháp thay thế nào đáng tin cậy hơn việc sử dụng vũ khí Mỹ và EU không có thời gian chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng của khối chuẩn bị tốt hơn trước các mối đe dọa.
Sự bền chặt của mối quan hệ Pháp-Đức có ý nghĩa rất quan trọng đối với châu Âu. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo hai nước cũng đang cố gắng tìm ra điểm chung về chương trình nghị sự của EU trong 5 năm tới, trong bối cảnh phe cực hữu có xu hướng trỗi dậy trước thềm cuộc bầu cử EP, dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 9/6 tới.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức của Tổng thống Pháp được xem như một phép thử với quan hệ của hai cường quốc hàng đầu châu Âu. Diễn ra trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu với lịch trình dày đặc, chuyến thăm cho thấy nỗ lực của hai nước để tìm sự đồng thuận trong các vấn đề quan trọng với sự ổn định và phát triển của EU.