Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả

Thuốc bảo vệ thực vật đang được người dân sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, dùng thế nào an toàn, hiệu quả để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững góp phần nâng cao giá trị nông sản vẫn đang là bài toán được đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân ở tỉnh Đồng Tháp được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Người dân ở tỉnh Đồng Tháp được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, tại nhiều nơi, không ít người dân vẫn chưa biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho an toàn, hiệu quả cao nhất. Hai năm nay, gia đình chị Sơn Thạch Hồng (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) vay vốn trồng dưa hấu tại địa phương và đã thu hoạch được vài vụ. Tuy nhiên, chị Hồng vẫn gặp khó khăn trong việc chọn thuốc bảo vệ thực vật. Chị băn khoăn: "Thị trường bây giờ có nhiều loại thuốc. Gia đình tôi cũng muốn sử dụng để hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất nhưng vẫn còn đắn đo vì giá thành cao, khi chưa biết cách sử dụng, vừa lãng phí lại có thể hỏng mùa màng".

Ông Phạm Văn Mười (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho vườn trái cây của mình theo kiểu thấy hợp thì dùng. Ông Mười cho biết, ông phun thuốc theo chỉ dẫn của cửa hàng hoặc theo hướng dẫn in trên bao bì. Thành phần thuốc, quy trình kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe hay ảnh hưởng đất đai như thế nào ông cũng không nắm được.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra tình trạng lạm dụng, dùng sai kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật. Việc này gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên, làm suy giảm tính đa dạng... Vì vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả là hết sức quan trọng.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Theo đó, trong năm 2024 xây dựng và nhân rộng 10 mô hình IPHM (5 mô hình trên cây lúa, 3 mô hình trên cây ăn trái, 2 mô hình trên rau màu). Kết quả cho thấy chương trình phù hợp giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Chương trình mới hướng cho người dân sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học; chú trọng sức khỏe đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe con người; nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng, hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; tạo ra sản phẩm an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu góp phần bảo đảm an ninh lương thực nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) Nguyễn Văn Sơn, Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là một biện pháp quan trọng.

Để phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm của thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc hiệu quả tốt và an toàn đối với người, sinh vật có ích và môi trường, nông sản có chất lượng tốt, người dùng cần thực hiện nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc; đúng lúc; đúng liều lượng, nồng độ, mức tiêu dùng và lượng nước; đúng cách); 5 nguyên tắc vàng (sử dụng thuốc phải an toàn; đọc hiểu và thực hiện đúng các hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc; mặc quần áo bảo hộ lao động; sử dụng bình bơm đúng chủng loại và chất lượng tốt; cần rửa tay, rửa mặt ngay sau khi bị thuốc dính vào); bảo đảm thời gian cách ly và sử dụng thuốc hài hòa.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa (Hiệp hội Phân bón Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh gia tăng áp lực từ biến đổi khí hậu, sự cần thiết phải tìm kiếm những giải pháp nông nghiệp thân thiện với môi trường trở thành vấn đề rất quan trọng. Than sinh học (biochar) đang nổi lên như một công nghệ tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích trong quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Than sinh học giúp cải thiện chất lượng đất; tăng cường hệ vi sinh vật đất; hạn chế sâu bệnh và dịch hại; giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu với các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, than hấp thụ các chất độc hại hoặc chất gây bệnh trong đất, giảm mật độ sâu bệnh và dịch hại.