Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về Ðổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và các ban, bộ, ngành T.Ư xây dựng và triển khai thực hiện Ðề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn.
Là cơ quan thường trực của Ðề án, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức nhiều hội nghị cộng tác viên với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các nhà xuất bản có chức năng phù hợp nhằm thống nhất định hướng đề tài, nội dung, hình thức trình bày, phương pháp biên soạn sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Ban Tuyên giáo T.Ư và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp các nhà xuất bản: Nông nghiệp, Y học, Khoa học - Kỹ thuật, Ðại học Bách Khoa Hà Nội, Văn hóa dân tộc, Kim Ðồng, Công an nhân dân,... để lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung, tổ chức biên tập và xuất bản sách.
Trong điều kiện kinh phí của cơ sở dành cho việc mua sách, tài liệu để nghiên cứu, tham khảo còn chưa cao, việc trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đã cung cấp nguồn thông tin chính thống, tin cậy, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tự trang bị và củng cố kiến thức về nhiều lĩnh vực, như: Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; công tác xây dựng Ðảng ở cơ sở; về tổ chức và hoạt động của HÐND, UBND cấp xã; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chính sách thuế; hôn nhân và gia đình; chủ quyền biển, đảo của Việt Nam... Công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến sách của Ðề án cũng được Ban Chỉ đạo thực hiện Ðề án phối hợp các địa phương thực hiện có hiệu quả. Tại một số tỉnh, thành phố, ngành tuyên giáo địa phương đã phối hợp các đơn vị, ngành liên quan tổ chức Ngày hội đọc sách; hội thi kể chuyện về bài viết hay, câu chuyện hay trong sách để vận dụng vào lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới, góp phần lan tỏa rộng rãi và phát triển văn hóa đọc.
Việc bảo quản, sử dụng sách được trang bị của các địa phương cũng rất đa dạng, hiệu quả. Có nơi sách được giao cho cán bộ tư pháp xã, thanh tra nhân dân, thậm chí để người dân quản lý. Nhiều nơi bố trí phòng đọc riêng, cấp thẻ cho cán bộ và nhân dân đến đọc, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu. Ở xã Song Khê (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), tủ sách được một giáo viên về hưu tự nguyện nhận quản lý. Tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Ðiện Biên), văn phòng đảng ủy và tuyên giáo cấp ủy cơ sở tiếp nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn sách do T.Ư cung cấp. Các xã xây dựng, bố trí tủ sách tại văn phòng đảng ủy, văn phòng UBND xã, nhà văn hóa xã, hoặc bố trí chung với tủ sách pháp luật...
Thông qua việc học tập và vận dụng kiến thức theo sách của Ðề án, nhiều hộ dân đã trở thành những tấm gương, mô hình điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế gia đình. Xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chọn một cán bộ có trình độ, yêu sách, năng động, nhiệt tình phục vụ bạn đọc để phụ trách công tác quản lý chung. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Ðảng ủy, UBND xã vẫn đầu tư nguồn kinh phí nhất định để xây dựng "phòng đọc điện tử" có diện tích hơn 40 m2 đặt tại trung tâm học tập cộng đồng của xã, do một cán bộ chuyên trách của Trung tâm và một cán bộ của Văn phòng Ðảng ủy xã luân phiên trực quản lý. Phòng đọc này trang bị tủ sách, bảy dàn máy vi tính có kết nối in-tơ-nét và bàn ghế phục vụ bạn đọc. Tại xã Tân Hiệp A (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), thực hiện Ðề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Ðảng bộ xã đã phân công cán bộ phụ trách tiếp nhận, phân loại, quản lý, sử dụng theo danh mục sách; bố trí địa điểm đặt tủ sách. Hiện nay, xã đã xây dựng một tủ sách đặt tại Văn phòng Ðảng ủy với 449 cuốn sách; một thư viện đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã với 1.446 cuốn sách phục vụ vào giờ hành chính của các ngày làm việc.
Việc triển khai thực hiện Ðề án có những hạn chế, bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu, đề tài sách; về công tác bảo quản, sử dụng, khai thác sách; công tác thông tin, tuyên truyền và cả về kiến thức, nghiệp vụ của cán bộ được phân công quản lý sách,.. Tuy nhiên, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố và qua khảo sát của Ban Tổ chức thực hiện Ðề án, phần lớn kiến nghị của các đơn vị và cá nhân có liên quan đều khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tiếp tục triển khai Ðề án. Ðiều này sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Ðảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở; về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020…
PHẠM CHÍ THÀNH
Q. Giám đốc -Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật