Theo thông báo của Chính phủ Sri Lankan, ông Rajapaksa cho biết quyết định nêu trên được đưa ra vì lợi ích của an ninh cộng đồng, bảo vệ trật tự công cộng cũng như để bảo đảm duy trì nguồn cung cấp và các dịch vụ thiết yếu.
Trước đó, ngày 31/3, hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và quân đội bên ngoài nơi ở của Tổng thống Rajapaksa ở ngoại ô thủ đô Colombo.
Cảnh sát đã bắt giữ 53 người và ban bố lệnh giới nghiêm ở trong và chung quanh Colombo trong ngày 1/4 để ngăn chặn các cuộc biểu tình lẻ tẻ diễn ra vì tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu bao gồm nhiên liệu và các hàng hóa khác.
Bộ trưởng Du lịch Prasanna Ranatunge cảnh báo những cuộc biểu tình như thế này sẽ làm tổn hại các triển vọng kinh tế.
Đảo quốc 22 triệu dân này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu hàng hóa. Ngày 30/3, Sri Lanka bắt đầu áp dụng cắt điện 10 tiếng mỗi ngày trên quy mô toàn quốc nhằm đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng.
Đại diện Liên hợp quốc tại Sri Lanka Hanaa Singer-Hamdy kêu gọi tất cả các nhóm liên quan các cuộc đụng độ nên kiềm chế. Trên Twitter, bà Hanaa cho biết Liên hợp quốc đang theo dõi các diễn biến tại quốc đảo này và bày tỏ quan ngại trước báo cáo về các vụ bạo lực.