Sống lại ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô

69 năm đã trôi qua, những ký ức của Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023) được sống lại qua trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng" - sự kiện do Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tại trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng".
Các đại biểu tại trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng".

Những hình ảnh, hiện vật trở nên sống động, hấp dẫn khi được chính những nhân chứng lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô thuyết trình. Qua câu chuyện của các vị lão thành, chúng ta cảm nhận rõ ràng không khí "Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về" Thủ đô mùa thu năm 1954.

Đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tái hiện những tháng năm hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp và không khí Ngày Giải phóng Thủ đô năm ấy qua trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng".

Trong đó, nội dung "Trường kỳ kháng chiến" phản ánh không khí 60 ngày đêm quân và dân Thủ đô hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường chiến đấu với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", lập nên bao chiến công hào hùng, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ cũng như những hình ảnh, tư liệu về công cuộc đấu tranh của nhân dân Thủ đô trong thời gian bị giặc Pháp tạm chiếm.

Sống dưới chế độ thực dân, nhân dân Thủ đô đã đứng lên đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau, từ những trận tập kích của biệt động nội thành cho đến rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng... Nhiều người bị địch bắt bớ, tù đày, nhưng thực dân Pháp không sao dập tắt được ngọn lửa cách mạng.

Sau chín năm kháng chiến gian khổ, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ, rút quân ra khỏi miền bắc. Phần "Ngày về lịch sử" giới thiệu những ngày đấu tranh bảo vệ các cơ sở vật chất, hạ tầng của Hà Nội khi thực dân Pháp rút đi và đặc biệt là những tư liệu, hình ảnh quý giá về những anh bộ đội đầu tiên tiến vào tiếp quản Hà Nội, cho đến đoàn quân oai hùng diễu hành trên các tuyến phố trước khi làm lễ chào cờ vào 15 giờ ngày 10/10/1954, đánh dấu Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Gần 70 năm đã trôi qua, chứng kiến lại những thời khắc lịch sử, gặp gỡ những người đồng đội, ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô lại sống dậy mạnh mẽ trong những nhân chứng lịch sử năm ấy. Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị được cử về Hà Nội từ ngày 8/10 để canh gác, tiếp quản nhiều vị trí trọng yếu.

Đại tá Dương Niết ngày ấy là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca tham gia tiếp quản Nha Cảnh sát Bắc Việt. Khi tiến vào Hà Nội, phía Pháp đã bố trí xe để đưa bộ đội ta từ cầu Đuống đi vào nội thành. Dù địch phủ bạt kín xe nhằm che giấu, nhưng do mong chờ quá lâu, một số anh em ngồi trên đầu xe vén bạt nhô người ra. Người dân cũng nhận ra điều này, ùa ra đường hoan hô rất đông.

Đại tá Dương Niết nhớ lại: "Chúng tôi phải hạn chế đến mức thấp nhất mưu đồ của Pháp là phá hoại hạ tầng cơ sở của ta ở nội đô; không để chúng cưỡng bức dân di cư; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô và giữ gìn an ninh trật tự. Thí dụ như địch căng những khẩu hiệu để vận động, thúc ép người dân di cư vào miền nam, chúng tôi phải đấu tranh để gỡ xuống. Không khí Hà Nội trước ngày bộ đội ta về tiếp quản khá im ắng. Nhưng khi những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên thì cả Hà Nội đã rợp cờ hoa. Dù chính quyền thành phố chưa thành lập, nhưng người dân biết tin đã tự bảo nhau may cờ, khẩu hiệu, làm cổng chào… đón đoàn quân chiến thắng".

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Hà Nội là vùng tạm chiếm. Bà Đỗ Hồng Phấn ngày ấy là một thiếu nữ trẻ tuổi, học Trường Chu Văn An. Bà sớm giác ngộ cách mạng và tham gia nhiều hoạt động đấu tranh. Bà rất vui khi những hình ảnh về cuộc đấu tranh của bà cùng những thế hệ học sinh, sinh viên Hà Nội năm xưa được giới thiệu tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Bà cho biết: "Phong trào đấu tranh của thanh, thiếu niên Hà Nội rất sôi nổi. Bản thân dù còn ít tuổi, tôi tham gia đưa thư vận động bãi khóa, in truyền đơn, ném truyền đơn và tham gia nhiều hoạt động khác. Đặc biệt nhân dịp Chiến dịch Biên giới giành thắng lợi vang dội, chúng tôi có sáng kiến vận động các bạn học, treo một lá cờ đỏ sao vàng to bằng vải trong khuôn viên Trường Trưng Vương, kết hợp ném truyền đơn và đốt pháo ăn mừng…". Sau sự kiện này, nữ sinh Đỗ Hồng Phấn bị địch bắt, giam cầm. Dù dùng nhiều thủ đoạn để khai thác thông tin, nhưng địch không thu được gì trước sự can trường của cô gái trẻ. Được tha do không đủ 18 tuổi, Hồng Phấn lập tức liên lạc với cách mạng.

"Tôi ra vùng tự do và sau đó được trở lại đúng Ngày Giải phóng Thủ đô. Cả thành phố đổ ra đón đoàn quân. Tôi đi diễu hành trên phố, đi qua nhà mình, nhìn thấy mẹ mình, sung sướng muốn rơi nước mắt mà không thể gọi mẹ. Trong đoàn người cờ hoa vẫy chào đoàn quân, có nhiều người là bạn bè tôi. Những hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên", bà Đỗ Hồng Phấn nhớ lại.

Có mặt tại trưng bày hôm nay, ông Nguyễn Tiến Hà, nguyên cán bộ Mặt trận Quân sự Hà Nội tham dự lễ chào cờ lịch sử chiều 10/10/1954 hồi tưởng: "Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang trên đỉnh Cột cờ Hà Nội, tôi rưng rưng nước mắt nhớ về những đồng đội, đồng chí, đồng bào đã hy sinh. Tôi vốn tên thật là Nguyễn Hữu Tự. Tôi lấy tên hoạt động là Nguyễn Tiến Hà, với lời thề ẩn giấu trong tên mình. Đó là nguyện tiến về Hà Nội".

Cũng như nhiều vị lão thành cách mạng khác, ông Nguyễn Tiến Hà mong muốn thành phố Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để "truyền lửa" cách mạng cho thế hệ trẻ.