Lập trường của Nam Phi về các cuộc xung đột trên thế giới thời gian qua khiến quan hệ giữa Nam Phi với Mỹ và các quốc gia phương Tây thêm căng thẳng. Trên trang mạng Diễn đàn châu Phi-Mỹ (Đại học Witwatersrand, Nam Phi), Tiến sĩ Asad el Malik nhận định, trong bối cảnh xung đột giữa Ukraine và Nga, quyết định của Nam Phi bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết Liên hợp quốc về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, hay việc Nam Phi tổ chức đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga, cũng như tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc, đã làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Nam Phi và phương Tây.
Theo học giả Asad el Malik, cách Nam Phi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của người Palestine cũng gây thêm phức tạp cho Pretoria. Tháng 10/2023, căng thẳng giữa lực lượng Hamas và Israel leo thang thành cuộc xung đột tàn khốc. Phản ứng quân sự sau đó của Israel ở Gaza khiến Nam Phi lên tiếng phản đối, thậm chí đưa vấn đề lên Tòa án Công lý quốc tế. Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của Nam Phi cho rằng Israel phạm “tội diệt chủng” ở Gaza, với lý do vô căn cứ, khiến quan hệ song phương Mỹ-Nam Phi thêm căng thẳng. Một yếu tố nữa làm gia tăng phức tạp trong quan hệ giữa Washington và Pretoria là sự tham gia của Nam Phi vào BRICS - khối được coi là đối trọng lớn cạnh tranh ảnh hưởng với phương Tây.
Hiện trường đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống trại tị nạn al-Maghazi ở Dải Gaza ngày 25/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vì những căng thẳng gần đây, đầu tháng 2 vừa qua, một dự luật kêu gọi đánh giá lại quan hệ giữa Mỹ và Nam Phi được đưa ra Hạ viện Mỹ. Dự luật cáo buộc đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) có quan hệ với lực lượng Hamas kể từ khi ANC nắm quyền năm 1994; các thành viên Chính phủ Nam Phi và lãnh đạo ANC có những tuyên bố bài Do Thái và chống Israel sau vụ tấn công của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. Dự luật cũng cho rằng, Nam Phi đang tích cực theo đuổi việc xây dựng các “mối quan hệ chặt chẽ hơn” với cả Nga và Trung Quốc.
Tháng 3/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor thăm Washington, thảo luận với phía Mỹ về căng thẳng giữa hai nước. Bà Pandor bác bỏ cáo buộc cho rằng ANC “có một số hình thức hợp tác với Hamas”, đồng thời nhấn mạnh, triết lý cơ bản của Nam Phi trong chính sách đối ngoại là luôn tìm kiếm hòa bình và đàm phán. Chuyến thăm được cho là nhằm mục đích để các nhà chiến lược Mỹ hiểu rõ hơn quan điểm của Nam Phi trong các vấn đề có sự khác biệt với Mỹ.
Nam Phi là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ ở châu Phi. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Nam Phi đạt mức 9,3 tỷ USD; khoảng 600 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại quốc gia này. Nam Phi và Mỹ cũng đã ký một số hiệp định hợp tác thương mại. Bên cạnh quan hệ kinh tế, hai nước còn hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác, như chống dịch bệnh, hay sáng kiến liên quan khí hậu, giảm lượng khí thải các-bon... Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor khẳng định, Nam Phi là đối tác quan trọng của Mỹ và ngược lại. Bà Pandor hy vọng hai quốc gia có thể hàn gắn và tiếp tục phát triển mối quan hệ dựa trên cơ sở vững chắc mà hai nước đã xây dựng trong nhiều năm qua.
Nhận định cả Nam Phi và Mỹ đều coi trọng mối quan hệ song phương, Giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Đại học Stanford (Mỹ), ông Joel Samoff kỳ vọng hai nước sẽ nỗ lực tìm cách duy trì hợp tác. Chuyên gia tin tưởng chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi vừa diễn ra giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai bên. Ông cũng nhận định, dự luật đánh giá lại quan hệ Mỹ-Nam Phi khó có khả năng “vượt ải” hai viện Quốc hội Mỹ và được Tổng thống Mỹ ký ban hành.