Sơn Dương, mùa thu này

Mùa thu 79 năm trước, từ Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Lệnh Tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa dân tộc ta bước sang một trang mới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc…
Dự án Flamingo Tân Trào mang đến diện mạo mới, thu hút khách du lịch đến với xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án Flamingo Tân Trào mang đến diện mạo mới, thu hút khách du lịch đến với xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Đất và người Sơn Dương lưu giữ mãi những hình ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng, các cơ quan Trung ương trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Truyền thống lịch sử vẻ vang đó đã và sẽ mãi là động lực to lớn trong mỗi bước đi lên của Sơn Dương. Người dân Sơn Dương thủy chung, son sắt, cùng với Đảng, chính quyền xây dựng cuộc sống ngày một "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Tháng 5/1945, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình và yêu cầu cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chuyển cơ quan đầu não của cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang). Tân Trào-Kim Long không những là nơi có cảnh thiên nhiên đẹp mà còn là nơi dễ cơ động "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ".

Sau hành trình 16 ngày, ngày 21/5/1945, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ về tới Tân Trào. Tại đây, Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng với Tân Trào là trung tâm và Tân Trào đã trở thành Thủ đô Khu giải phóng. Tại đây, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại: Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào. Đại hội biểu thị ý chí quyết tâm sắt đá giành độc lập dân tộc của đồng bào cả nước. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và thành lập "Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam", tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ. Tân Trào trở thành thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới. Từ Tân Trào - Sơn Dương, lệnh Tổng khởi nghĩa được truyền đi, cả nước nhất loạt đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Kháng chiến toàn quốc nổ ra, một lần nữa Sơn Dương vinh dự được đón Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ về ở và làm việc trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Sơn Dương vinh dự trở thành "Thủ đô kháng chiến".

Giờ đây, Sơn Dương được ví như là bảo tàng thu nhỏ của cách mạng Việt Nam với các di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Cây đa Tân Trào, Lán Nà Nưa, Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, Đình Thanh La, Hang Bòng,… mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc.

Gần 80 năm qua, Sơn Dương giờ đã đổi thay nhiều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh hồ hởi cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần "Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng huyện Sơn Dương phát triển nhanh, bền vững" và bám sát ba khâu đột phá, bốn nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục phát triển toàn diện, nhiều chỉ tiêu chủ yếu vượt mục tiêu, tăng khá và cơ bản bảo đảm tiến độ so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (có bốn chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội là: Thu ngân sách trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, xếp loại chính quyền huyện, xếp loại các cơ quan chuyên môn; 11/15 chỉ tiêu chính cơ bản bảo đảm tiến độ). Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp; hoàn thành các quy hoạch cơ bản...

Điểm nổi bật ở Sơn Dương là trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, song cơ cấu kinh tế của huyện đã được chuyển dịch đúng hướng, đạt được hiệu quả trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện cả năm 2024 đạt 8.700 tỷ đồng (kế hoạch đề ra là 8.177,5 tỷ đồng), bằng 106,4% kế hoạch; thu hút được nhiều dự án đầu tư nổi bật, huyện có một khu công nghiệp; hai cụm công nghiệp và hơn 70 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp với các sản phẩm như: Bột giấy, giấy in, bột barit, tai nghe, giày da, may mặc, bao bì,...; 240 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có đăng ký kinh doanh và hơn 2.000 hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp; tám làng nghề chè đã bổ trợ cho công nghiệp của huyện phát triển; các doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho hơn 15.000 lao động; thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Để có được kết quả nêu trên, huyện Sơn Dương đã phát huy được lợi thế về vị trí địa lý để thu hút đầu tư; đồng thời từng bước phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông; sớm triển khai và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp.

Huyện tích cực, chủ động đi trước một bước trong việc chuẩn bị đầu tư các dự án, công trình, xác định từng việc cần làm, cần triển khai ngay, tiến hành đồng thời các thủ tục, hồ sơ như công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... ngay từ khi bắt đầu có kế hoạch, chủ trương đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu, nền tảng cho phát triển công nghiệp như quy hoạch, hệ thống giao thông, điện, các công trình phụ trợ; phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cung cấp, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư,…

Bên cạnh đó, huyện xác định các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh thu hút đầu tư; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp; cam kết và đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận, triển khai thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, nhất là những dự án đáp ứng các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững, dài hạn về kinh tế-xã hội và môi trường; tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng sạch để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện các dự án tại các khu, cụm công nghiệp, các dự án khu đô thị, khu dân cư, các dự án đầu tư công...

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Huyện có 19/30 xã đạt tất cả 19 tiêu chí nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt 17,06 tiêu chí/xã, có ba xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đạt 53,55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,85%.

Với phương châm "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng", trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung để nhân dân hiểu, biết được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, thay đổi tư duy từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước sang tư duy người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.