Sớm triển khai xây dựng các trường học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Trong những năm qua, hàng loạt khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại được hình thành, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, đặc biệt chất lượng không gian sinh sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, do sự phát triển nóng của các dự án nhà ở, dân số tăng nhanh nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan thẩm quyền sở tại, dẫn đến hạ tầng xã hội, nhất là công trình giáo dục chưa đáp ứng, theo kịp nhu cầu của dân cư.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện trạng lô đất TH-III.15.2 khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp, Hà Nội sẽ được dành xây dựng nhà trẻ và trường học.
Hiện trạng lô đất TH-III.15.2 khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp, Hà Nội sẽ được dành xây dựng nhà trẻ và trường học.

Gần đây, việc thiếu hụt nghiêm trọng trường học trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, khiến người dân phải bốc thăm để lấy suất cho con được vào học tại các trường mầm non công lập trên địa bàn. Theo tìm hiểu, bên cạnh những nguyên nhân tăng nhanh dân số quá mức tại địa bàn này, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa thể khôi phục hoạt động bình thường thì một vấn đề quan trọng là việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình trường học tại một số khu đô thị mới trên địa bàn còn chậm.

Trên địa bàn quận Hoàng Mai có các dự án như: Khu đô thị mới Linh Ðàm, khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp và khu đô thị mới Tây Nam Linh Ðàm do UBND thành phố Hà Nội giao Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Ðến nay, các khu đô thị này về cơ bản đã đầu tư, hoàn thành và bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các cơ quan quản lý chuyên ngành của địa phương, đóng góp tích cực vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, tại các dự án vẫn còn tồn tại bảy lô đất có chức năng giáo dục chưa được đầu tư xây dựng, trong đó có ba lô đất tại khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp, hai lô tại khu đô thị mới Linh Ðàm và hai lô tại khu đô thị mới Tây Nam Linh Ðàm.

Làm việc với Ban quản lý dự án số 2 là đơn vị được HUD giao quản lý đầu tư xây dựng các lô đất nêu trên, bà Phương Anh, cán bộ Ban quản lý dự án cho biết: Việc chậm trễ trong đầu tư xây dựng các trường học chủ yếu do các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và việc cập nhật, trình duyệt quy hoạch 1/500 theo quy hoạch chung thành phố Hà Nội và quy hoạch phân khu đô thị.

Cụ thể, đối với các trường học tại lô đất THIII và NT3 tại khu đô thị mới Linh Ðàm, năm 2006, thành phố Hà Nội có Văn bản số 2675/UBND-XDÐT giới thiệu địa điểm xây dựng Bệnh viện thực hành Trường đại học Y Hà Nội tại vị trí này. Ðến năm 2013, do việc xây dựng bệnh viện tại khu vực này không còn phù hợp các chủ trương của Chính phủ và định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 2993/VP-QHXDGT chấm dứt nghiên cứu xây dựng Bệnh viện thực hành của Trường đại học Y Hà Nội để sử dụng lô đất này bổ sung quỹ đất xây dựng nhà trẻ và trường học phục vụ dân cư.

Chủ trương này đã được thể hiện trong Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6665/QÐ-UBND ngày 3/12/2015 và Quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4832/QÐ-UBND ngày 6/9/2019, trong đó vị trí nêu trên có chức năng sử dụng đất là xây dựng trường học và nhà trẻ. Hiện nay, chủ trương đầu tư hai trường học này đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Các trường học còn lại đều cần thời gian cho công tác lập, trình duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy hoạch phân khu cũng như hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng. Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ ½.000 được UBND thành phố phê duyệt liên quan các khu đô thị mới nêu trên đã thay đổi các thông số chỉ tiêu của hầu hết các lô đất trường học. Vì vậy, tất cả các lô đất xây dựng trường học (ba lô đất tại khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp và hai lô đất tại khu đô thị mới Tây Nam Linh Ðàm) đều phải rà soát và thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Bên cạnh việc cần nhiều thời gian cho công tác lập, trình duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy hoạch phân khu, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai xây dựng trường học là do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó, để có thể nhanh chóng đầu tư xây dựng các trường học phục vụ nhân dân, việc cấp thiết trước mắt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khẩn trương hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thành các thủ tục cập nhật quy hoạch và thủ tục đầu tư xây dựng. Những công việc nêu trên, bên cạnh sự sẵn sàng và nỗ lực của chủ đầu tư, rất cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan.