Sớm tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng ở Khu kinh tế Vũng Áng

Từng được đánh giá là điểm sáng về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, những năm gần đây, tiến độ GPMB tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng hết sức chậm chạp, tác động xấu đến đời sống người dân, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết của thị xã (TX) Kỳ Anh mà là trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh.

Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường nối quốc lộ 1A đi cảng Sơn Dương dài hơn 4 km mới chỉ hoàn thành một nửa khối lượng.
Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường nối quốc lộ 1A đi cảng Sơn Dương dài hơn 4 km mới chỉ hoàn thành một nửa khối lượng.

Nhiều công trình, dự án triển khai ì ạch

Ðược triển khai từ năm 2013, nhưng đến nay, hơn 4,2 km tuyến đường nối quốc lộ (QL) 1A đi cảng Sơn Dương mới chỉ hoàn thành được một phần hai khối lượng. Theo Phó Ban quản lý KKT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Khoa, mặc dù dự án đã được bố trí nguồn vốn đầy đủ, đơn vị thi công luôn sẵn sàng thực hiện hợp đồng ký kết nhưng do vướng mặt bằng, cho nên việc thi công bị gián đoạn từ năm này sang năm khác. Tuyến đường nối QL 1A đi cảng Sơn Dương có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối chức năng các khu công nghiệp và vận chuyển lưu thông hàng hóa qua lại giữa các hệ thống đường thủy (Khu cảng biển Sơn Dương) và đường bộ tại KKT Vũng Áng. Việc trì hoãn thi công không những ảnh hưởng đời sống của người dân mà còn làm giảm sức hút đầu tư tại đây.

Số liệu từ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) thị xã Kỳ Anh cho thấy, ngoài 70 hộ đã nhận tiền đền bù, hiện nay việc kiểm kê tài sản, rà soát nguồn gốc đất đai của hàng trăm hộ bị ảnh hưởng còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Lý giải về việc chậm bàn giao mặt bằng, ông Lê Hải Ðảo ở tổ dân phố Bắc Phong (phường Kỳ Trinh) cho biết: Gia đình ông có gần 1.800 m2 đất ở, từ năm 2006 đến nay ông lần lượt chia đất cho các con xây dựng nhà cửa sau khi lập gia đình. Khi chia đất, gia đình không tiến hành tách thửa và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ). Ðến khi làm đường, nhà riêng của hai người con nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án buộc phải di dời. "Khổ nổi, vì đất của các cháu đang ở chưa tách hộ và chưa có GCNQSDÐ cho nên không thuộc diện được hỗ trợ đất tái định cư. Giờ hai đứa nó mà bàn giao nhà để di dời thì chưa biết đi đâu ở cho nên đang phải ở tạm chỗ cũ. Mong sao chính quyền các cấp xem xét bố trí cho hai con được lên khu tái định cư (TÐC)" - ông Ðảo chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng BT-GPMB thị xã Kỳ Anh Nguyễn Vũ Tuấn, hiện nay trên địa bàn đang thực hiện công tác BT-GPMB cho 60 dự án, trong đó có 25 dự án tồn đọng, vướng mắc từ những năm trước chưa xử lý được, cá biệt, nhiều dự án như: Dự án kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà, đường QL1A đi khu TÐC Kỳ Long, khu TÐC Kỳ Thịnh triển khai từ năm 2010, 2011 đến nay vẫn chưa bàn giao được mặt bằng. Trước áp lực của các nhà đầu tư và phân nguồn kinh phí bố trí cho từng dự án, nhiều công trình, dự án phải xin tạm hoãn, lùi thời gian bàn giao mặt bằng. Ðiển hình là dự án di dời hai thôn Tân Phúc Thành 2 và 3 (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh). Theo quy hoạch được phê duyệt, toàn bộ diện tích đất ở và đất sản xuất nông nghiệp của hai thôn nằm trong khu vực ảnh hưởng của Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương. Ngày 5-7-2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận triển khai dự án di dời hai thôn, đồng thời, triển khai Tiểu hợp phần xây dựng hạ tầng Khu TÐC thôn Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi. Mặc dù, hạ tầng khu TÐC đã hoàn thiện từ hai năm nay nhưng việc di dời dân chưa thể thực hiện.

Cùng gỡ vướng

Theo phản ánh của lãnh đạo thị xã Kỳ Anh, những yếu kém trong quản lý đất đai, xây dựng là nguyên do chính dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình thực hiện công tác GPMB trên địa bàn. Ðiều đáng nói, trước thực trạng yếu kém này chính quyền các cấp đã không có biện pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời cho nên những tồn đọng này vẫn cứ kéo dài từ năm này đến năm khác. Theo số liệu từ hội đồng BT-GPMB thị xã Kỳ Anh, trong tổng số 60 dự án đang triển khai GPMB, có đến 463 hộ dân nằm trong diện di dời đã thực hiện việc cơi nơi, lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp, đất nằm ngoài GCNQSDÐ. Theo Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) Nguyễn Tiến Bảy, mặc dù đã được tạo điều kiện, hỗ trợ cao nhất cho việc di dời, TÐC nhưng những hộ có công trình xây dựng cơi nới, lấn chiếm vẫn đòi đền bù 100%. "Thay vì kiên quyết thu hồi diện tích đất xây dựng, cơi nới trái phép và tháo dỡ nhà cửa, tài sản trên diện tích đất đã được kiểm đếm, đền bù. Hiện nay, chúng tôi chỉ vận động người dân tự giác bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư. Nếu tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo luật định thì người dân biết đi về đâu trong khi hạ tầng các khu TÐC vừa thiếu, vừa yếu, không đủ điều kiện để người dân sinh sống" - ông Nguyễn Tiến Bảy cho biết. Bên cạnh đó, theo phản ánh của chính quyền địa phương và người dân, mặc dù hạ tầng tại các khu TÐC chưa được xây dựng hoàn thiện hoặc đã xuống cấp, nhưng giá đất tại các khu TÐC này cao hơn rất nhiều lần so với giá đất thu hồi của Nhà nước. Vì vậy, nhiều hộ dân sau khi nhận tiền đền bù vẫn không đủ để mua đất mới. "Năm 2015, khi cán bộ đến tuyên truyền, vận động chúng tôi bàn giao mặt bằng có cam kết giá đất thu hồi và giá đất TÐC sẽ ngang bằng nhau. Tuy nhiên, khi lên nhận đất TÐC chúng tôi phải trả mức giá 550.000 đồng/m2, trong khi đó giá đất đền bù Nhà nước trả cho chúng tôi chỉ 330.000 đ/m2. Vì vậy, chúng tôi chưa đồng ý di dời đến ở tại các khu TÐC" - bà Mai Thị Sáu ở tổ dân phố Bắc Phong (phường Kỳ Thịnh) nói.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà, ngoài những vướng mắc do cơ chế, chính sách thay đổi, quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương cho thấy, năng lực và kinh nghiệm của cán bộ được giao thực hiện công tác GPMB ở thị xã Kỳ Anh còn yếu. Từ sau khi chia tách địa giới hành chính, thành lập thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB của thị xã còn thiếu kinh nghiệm, có một bộ phận còn e dè, ngại va chạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vai trò của các tổ chức đoàn thể mặt trận chưa được phát huy. Do đó, địa phương chưa khơi dậy được trách nhiệm tiền phong của cán bộ, đảng viên và ý thức tự giác của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết: Nhận thấy bất cập trong quá trình triển khai công tác GPMB ở thị xã Kỳ Anh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đánh giá lại hiện trạng đầu tư hạ tầng của các khu TÐC, trên cơ sở đó sẽ định giá phù hợp, không để giá đất thu hồi và giá đất TÐC chênh quá lớn. Ngay cả đối với những khu TÐC được đầu tư bài bản thì cũng phải tính toán hợp lý trên nguyên tắc ưu tiên, bảo đảm quyền lợi của người dân. Ðồng thời, yêu cầu Ban quản lý KKT Hà Tĩnh đốc thúc đơn vị thi công đánh giá, rà soát hiện trạng các khu TÐC dang dở, sớm có biện pháp, sửa chữa, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng còn lại. Tiếp tục bổ sung, kiện toàn bộ máy hội đồng BT-GPMB, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; kết nối với các bộ, ngành liên quan của T.Ư nhằm xử lý các hồ sơ tồn đọng, vướng mắc trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

Trước yêu cầu phát triển của KKT Vũng Áng, công tác GPMB đang trở nên trọng tâm, cấp bách hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc xốc lại tinh thần, khơi dậy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Hà Tĩnh cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế đãi ngộ xứng tầm để vận hành trơn tru bộ máy GPMB ở thị xã Kỳ Anh.