Khai thác vượt công suất
Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Ðinh Việt Thắng, giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải HKVN tăng trung bình 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hóa; dự báo, đến năm 2020, sản lượng thông qua các cảng hàng không (CHK) đạt 120 triệu hành khách và 2,5 triệu tấn hàng hóa. Việc quản lý vận hành khai thác CHK, mở các đường bay tiếp tục được thực hiện hiệu quả; có nhiều nhà đầu tư tiềm năng tham gia đầu tư khai thác hạ tầng, vận tải, quản lý hạ tầng hàng không… Tuy vậy, tình trạng quá tải về kết cấu hạ tầng một số sân bay diễn ra ngày càng thường xuyên, nhất là tại các sân bay trọng điểm như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng,... cho thấy hạn chế trong công tác dự báo phát triển, đầu tư mở rộng; vấn đề quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng đất tại các sân bay còn nhiều vướng mắc.
Theo Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía bắc. Ðến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ 4E với lưu lượng 20 đến 25 triệu hành khách/năm. Ðến năm 2030, Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu khách/năm và sau năm 2030 đạt 50 triệu khách/năm. Công suất hạ tầng hiện có của Nội Bài khoảng 21 triệu khách (hai đường cất/hạ cánh song song, cách nhau 250 m) nhưng thực tế khai thác năm 2017 đã đạt gần 24 triệu khách, gây áp lực lớn tại các nhà ga, khu đỗ, hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại...
Một trong hai đường cất/hạ cánh đang bị hư hỏng nặng, nếu không được sửa chữa khẩn cấp, có thể xuống cấp trầm trọng hơn trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng hàng không hiện tại, dự báo đến năm 2020, sản lượng hành khách, dịch vụ sẽ vượt quá năng lực khai thác hiện tại của sân bay Nội Bài. Giám đốc CHK Nội Bài Nguyễn Ðức Hùng ước tính, trong năm nay, sân bay Nội Bài phục vụ hơn 26 triệu lượt khách, sẽ vượt qua công suất thiết kế của nhà ga trong nước. Dự báo vào năm 2020, Nội Bài sẽ đạt 34,5 triệu khách, năm 2025 lên tới 54 triệu và đến năm 2030 là 65 triệu.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 (Quyết định 590/QÐ-TTg ngày 20-5-2008), việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ khai thác bay được thực hiện tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy rõ nhiều nội dung của quy hoạch đã không còn phù hợp. Việc điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ hàng không trong dài hạn là rất cấp thiết và cần phải triển khai càng sớm càng tốt. Do vậy, cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay về hướng nam, đạt công suất 80 đến 100 triệu khách/năm vào năm 2050, phù hợp thực tế phát triển.
Cải tạo đường băng, nâng cấp hạ tầng
Hệ thống đường cất/hạ cánh của sân bay Nội Bài khai thác trung bình 480 chuyến/ngày, vượt quá công suất. Dịp cao điểm lễ, Tết, hệ thống đường băng này thậm chí "cõng" tới gần 600 chuyến/ngày. Theo Phó Giám đốc CHK Nội Bài Nguyễn Huy Dương, đường băng 11R/29L(1B) sân bay Nội Bài và hệ thống đường lăn được thiết kế với kết cấu mặt đường bê-tông xi-măng, bảo đảm khai thác tàu bay B747-400 hoặc tương đương, với tần suất hoạt động 10.500 lượt/năm trong 20 năm tính toán. Tuy nhiên, đến tháng 4-2018, tổng số lần trùng phục trên đường cất hạ cánh 1B quy đổi về máy bay B747-400 là 284.200 lần, vượt quá số lần theo tính toán (210 nghìn lần). Sân bay Nội Bài hiện đang khai thác các chủng loại máy bay A350-900, B787-9 có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn hơn so tính toán thiết kế ban đầu. Việc khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế dẫn đến tình trạng đường băng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ.
Tại một số vị trí trên đường 1B và đường lăn của sân bay Nội Bài có hiện tượng sùi bùn trong mùa mưa. Trong khi đó, đường băng vẫn phải tiếp tục khai thác vượt tải với số lần trùng phục tích lũy ngày càng lớn khiến tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng. Nếu không sớm cải tạo, nâng cấp mà vẫn tiếp tục duy trì khai thác, sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp trực tiếp an toàn bay, có thể phải đóng cửa khai thác hai đường băng nêu trên. Hiện nay, các cán bộ, nhân viên sân bay Nội Bài hằng ngày phải kiểm tra đường băng bốn đến năm lần để đánh giá khai thác, nếu phát hiện hiện tượng hư hỏng, rạn nứt phải tiến hành khắc phục ngay.
Chỉ ra nguyên nhân chậm trễ sửa chữa, cải tạo đường băng tại Nội Bài, ông Nguyễn Huy Dương lý giải, sau khi cổ phần hóa, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không được giao quản lý tài sản khu bay (đường cất/hạ cánh) mà kết cấu hạ tầng là của Nhà nước. Vì thế, đường cất/hạ cánh bị hỏng hay xuống cấp, CHK Nội Bài không thể chủ động bỏ kinh phí ra nâng cấp vì sai luật. Muốn đầu tư phải sử dụng ngân sách nhà nước lấy từ nguồn thu khu bay để tái đầu tư. Trong bối cảnh phải đợi nguồn vốn nhà nước, ACV đã đề nghị Bộ GTVT cho phép đơn vị sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay và ứng quỹ đầu tư phát triển của ACV để triển khai cải tạo, nâng cấp đường băng. ACV sẽ hạch toán riêng chi phí các dự án này và quyết toán khi phương án quản lý, khai thác tài sản khu bay được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, để triển khai theo phương án này, phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Theo cấu hình khu bay hiện tại, cùng với lộ trình hiện đại hóa trang thiết bị quản lý điều hành bay, CHK Nội Bài có thể đáp ứng công suất khoảng 45 đến 50 triệu khách/năm. Trong tương lai, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) sẽ nghiên cứu phương thức bay mới, khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà ga, sân đỗ,... bảo đảm đồng bộ để bắt kịp tốc độ phát triển. Cụ thể, cần xây dựng thêm một nhà ga hành khách trong nước đồng bộ với sân đỗ máy bay (thực hiện trong giai đoạn 2020-2021), đồng thời nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường khu bay để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai, trong đó bao gồm sửa chữa, cải tạo hai đường cất/hạ cánh và hệ thống đường lăn hiện hữu, hoàn thiện các đường lăn nối theo quy hoạch được duyệt. Hiện nay, một công ty tư vấn của Pháp đã viện trợ phần lớn số tiền lập quy hoạch để nghiên cứu đánh giá hiện trạng và dự báo công suất cũng như thiết kế mở rộng sân bay Nội Bài để đưa ra phương án hiệu quả nhất. Mặt khác, phía TP Hà Nội cũng mong muốn sớm hoàn thiện quy hoạch, có hướng mở rộng để chuẩn bị giải phóng mặt bằng và quy hoạch đô thị theo trục sân bay.
Tại buổi thị sát, kiểm tra hoạt động khai thác, bảo đảm an toàn bay tại sân bay Nội Bài, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhận định, việc sớm rà soát quy hoạch để nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài là rất cần thiết. Nếu không chủ động sửa chữa kịp thời, có thể ảnh hưởng nặng nề về lâu dài, tác động tiêu cực đến phát triển của Hà Nội và cả nước. Yêu cầu chung là phải đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài hiện đại, đủ năng lực vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam; bảo đảm không chỉ quy mô, chất lượng dịch vụ mà còn cả yêu cầu kiến trúc, cảnh quan, văn hóa,…
Việc xây dựng nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch CHK Nội Bài phải bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về dự báo lưu lượng hành khách và hàng hóa; xây dựng các khu bay và nhà ga T3; kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực đất quốc phòng; các tuyến giao thông đối ngoại về nội đô và các địa phương lân cận. Về cơ chế quản lý các khu bay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh Ðề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trước mắt, trong thời gian hoàn thiện và phê duyệt đề án, giao Bộ GTVT báo cáo, đề xuất phương án sử dụng vốn để bảo trì, sửa chữa bảo đảm an toàn khai thác.