“Sớm hơn một mức” trong ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Ngành y tế và nhiều địa phương đã, đang triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo đúng tinh thần công điện của Thủ tướng Chính phủ là “sớm hơn một bước, cao hơn một mức”.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm dịch nhập cảnh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng nhằm tăng cường giám sát phòng ngừa lây lan dịch bệnh. (Ảnh HỮU QUÝ)
Kiểm dịch nhập cảnh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng nhằm tăng cường giám sát phòng ngừa lây lan dịch bệnh. (Ảnh HỮU QUÝ)

Đậu mùa khỉ (Monkeypox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi-rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Thời gian ủ bệnh thường từ 6 đến 13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5 đến 21 ngày.

Biểu hiện triệu chứng của bệnh có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Trước diễn biến phức tạp của căn bệnh này, ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Theo thống kê tính đến 17 giờ ngày 9/8 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, số ca đậu mùa khỉ toàn thế giới là khoảng 31.800 ca, ở 89 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, đến thời điểm này chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Thế nhưng, với những thông tin về tình trạng nguy hiểm và các thống kê liên quan căn bệnh này, các ngành chức năng và mọi người dân cần hết sức chú ý và quan tâm. Triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó dịch. Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ… tiếp tục phối hợp các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin, hỗ trợ sinh phẩm chẩn đoán bệnh…

Ngay sau khi ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế trong cả nước. Bộ Y tế cũng chia tuyến trong điều trị, trong đó tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ; tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng.

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu các cơ sở, đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, chủ động nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, các cơ sở, đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc nêu trên, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc. Cục Quản lý dược cũng đề nghị các đơn vị chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc và rà soát nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đến nay, nhiều địa phương cũng đã, đang triển khai các biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ. Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng với sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan; tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ; đẩy mạnh việc tuyên truyền, trang bị kiến thức phòng dịch cho người dân. Tại những địa phương có cửa khẩu quốc tế cũng triển khai mạnh các biện pháp phòng bệnh, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu để phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch.

Được biết, Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ khởi động lại quy trình khám phân luồng, khám cách ly và điều trị cách ly trong trường hợp có ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc đậu mùa khỉ, tương tự quy trình với dịch Covid-19. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng (phòng khám và buồng điều trị cách ly), phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ cá nhân, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân hay các bệnh nhân khác. Bệnh viện cũng liên hệ với các cơ sở y tế đầu ngành về bệnh lý truyền nhiễm để có kế hoạch phối hợp chuyển bệnh phẩm đến nhằm chẩn đoán xác định và chuyển bệnh nhân nếu là ca bệnh nặng.