Sớm đưa học sinh vùng lũ trở lại trường

Đến ngày 18/10, nhiều trường học tại các tỉnh miền trung vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau trận mưa lớn và lũ quét lịch sử, làm gián đoạn việc dạy và học của các thầy giáo, cô giáo và hàng nghìn học sinh. Chính quyền thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị cùng lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục những thiệt hại, vệ sinh trường, lớp để sớm đón học sinh trở lại trường.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo viên và phụ huynh Trường tiểu học-THCS Hải Hòa (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) dọn vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại vào sáng 19/10. (Ảnh QUANG HUY)
Giáo viên và phụ huynh Trường tiểu học-THCS Hải Hòa (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) dọn vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại vào sáng 19/10. (Ảnh QUANG HUY)

Đến ngày 18/10, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn gần 100 trường học chưa thể đón học sinh đến trường, tập trung tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà và Hương Thủy. Tại xã Phong Bình, thuộc vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, các tuyến đường giao thông vẫn đang bị chia cắt, gần 1.100 hộ dân trên địa bàn bị ngập khoảng 50 đến 80cm. Phương tiện chủ yếu của bà con chủ yếu là đò hoặc xuồng.

Hiệu trưởng Trường THCS Phong Bình Nguyễn Bá Nhân cho biết, hiện nước lũ vẫn còn ngập ngoài sân trường. Nước rút đến đâu, nhà trường huy động cán bộ, giáo viên cùng các lực lượng dân quân trong xã dọn vệ sinh để sớm đón học sinh trở lại. Trước khi nước lũ dâng cao, các thầy, cô đã chủ động đưa toàn bộ sổ sách, giáo án và các dụng cụ học tập lên tầng 2, cho nên không thiệt hại về trang, thiết bị dạy học. Tuy nhiên, bùn đất đã bám chặt vào bàn ghế và khuôn viên sân trường, việc dọn dẹp sẽ rất vất vả. Toàn huyện Quảng Điền có gần 16 nghìn học sinh phải nghỉ học vì lũ; đến ngày 18/10, mới có 26 trong tổng số 49 trường đón học sinh đi học trở lại.

Tương tự, trên địa bàn huyện Phú Vang cũng có 19 trong tổng số 55 trường học bị nước ngập vào sân và phòng học. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong huyện tập trung huy động khắc phục hậu quả sau mưa lũ; huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên, tiến hành dọn vệ sinh trường, lớp học; sắp xếp lại tài liệu, trang thiết bị, bàn ghế phòng học để đón học sinh trở lại trường học tập bình thường, bảo đảm đúng tiến độ chương trình năm học đề ra.

Tại Đà Nẵng, trận mưa lũ lịch sử vào chiều tối 14/10 làm hàng trăm trường học chìm trong biển nước. Quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang là hai địa phương bị ngập nặng nhất, đến thời điểm này vẫn chưa thể thống kê được số lượng học sinh bị trôi hoặc ướt sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập. Nhiều trường bị bùn non lấp kín toàn bộ trang, thiết bị dạy học, sách vở học sinh, phòng chuyên môn. Các trường đang phải kêu gọi các lực lượng chức năng, phụ huynh học sinh hỗ trợ thu dọn trường lớp, vệ sinh môi trường; vận động các nhà hảo tâm tặng sách, vở, đồ dùng học tập để các em học sinh có thể đi học trở lại.

Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu) có nhiều học sinh cư trú tại tuyến đường Mẹ Suốt, Phạm Như Xương, Hoàng Văn Thái... bị ngập rất sâu. Thống kê sơ bộ, có hơn 300 học sinh mất hết sách vở, áo quần đồng phục. Cô Bùi Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường nhắn gửi tới phụ huynh học sinh cố gắng cho con em trở lại trường học. Chúng tôi thông báo với phụ huynh, nếu đồng phục, sách vở, bút mực bị trôi hết, vẫn cho các con đến trường, có áo quần gì mặc nấy, rồi thầy, cô sẽ lo liệu”.

Sớm đưa học sinh vùng lũ trở lại trường ảnh 1

Trận lụt tối 14/10 khiến hàng trăm cuốn sách, vở của học sinh Đà Nẵng ngập trong bùn.
(Ảnh ANH ĐÀO)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành cho biết: “Trên cơ sở thống kê số liệu do các đơn vị, trường học báo cáo, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đang vận động hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh bị ảnh hưởng bởi đợt lũ vừa qua. Trước mắt, Liên đoàn Lao động thành phố đã thống nhất hỗ trợ kinh phí mua 1.362 bộ sách lớp 1 và lớp 2. Sở còn đề nghị các trường chủ động huy động nguồn lực để có thể hỗ trợ kịp thời, khắc phục thiếu sách giáo khoa, vở tập cho học sinh, để các em sớm ổn định và trở lại trường học bình thường”.

Sở còn đề nghị các trường chủ động huy động nguồn lực để có thể hỗ trợ kịp thời, khắc phục thiếu sách giáo khoa, vở tập cho học sinh, để các em sớm ổn định và trở lại trường học bình thường.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành

Ảnh hưởng bão số 5 gây ngập sâu tại nhiều xã của huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nhất là các xã nằm ở phía bắc sông Ô Lâu làm các trường học ngập sâu, học sinh phải nghỉ học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lê Văn Thạnh cho biết, đến cuối ngày 18/10, các trường mầm non Hải Hòa, Tiểu học và THCS Hải Hòa, Hải Vĩnh, Hải Ba, Hải Quế, Thiện Thành… nước lũ vẫn chưa rút hết để dọn vệ sinh trường học.

Đang cùng làm vệ sinh trường, lớp với giáo viên trong trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Hải Hòa, Trương Văn Mẫu cho biết, nước ngập sâu vào trường từ 1,2 đến 1,5m, kéo dài nhiều ngày. Sáng 18/10 nước mới rút được 2 trong 4 điểm của trường. Nước rút đến đâu để lại lớp bùn trong sân trường, lớp học có chỗ dày đến 30cm. Tận dụng thời gian lũ rút, cán bộ, giáo viên của trường cùng phụ huynh tập trung dọn dẹp vệ sinh, đưa bùn đất ra khỏi sân trường, lau chùi bàn ghế, phấn đấu ngày 19/10, học sinh tại hai điểm Hưng Nhơn và Phú Kinh được trở lại trường học sau bốn ngày nghỉ học.

Đến ngày 18/10, nước trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đang rút nhưng vẫn ở mức cao, nhiều trường học ở các vùng thấp, trũng đang bị ngập. Ở các nơi nước vừa rút, giáo viên và phụ huynh khẩn trương thu dọn bùn đất. Thầy giáo Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết, mưa lũ đã làm ngập 25 trường học, trong đó có 18 trường ở các xã ven sông Kiến Giang; nước vào phòng học 20-60cm. Nhờ chủ động kế hoạch ứng phó và di chuyển kịp thời trang thiết bị lên khu vực cao, cho nên hầu như cơ sở vật chất các trường học không bị thiệt hại. Ở những nơi nước vừa rút, các trường huy động giáo viên, phụ huynh và học sinh các lớp lớn đến dọn dẹp vệ sinh, lau chùi phòng học, bàn ghế, thau rửa sân trường...

Trong tiết học đầu tiên của học sinh Trường tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), các em được hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn rủi ro có thể gặp phải. Đặc biệt, y tế nhà trường hướng dẫn học sinh cách chăm sóc, vệ sinh bản thân sau bão lũ, kỹ năng an toàn khi sử dụng điện, nằm ngủ phải mắc màn để phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết. Tại Trường THCS Nguyễn Lương Bằng các em học sinh cũng được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm và bảo đảm an toàn trong thiên tai, bão lũ; được nhắc nhở phải giữ vệ sinh trong ăn uống, không sử dụng nước giếng ở những nơi bị ngập; không uống nước chưa qua đun nấu, để tránh bị tiêu chảy…

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu hiệu trưởng các trường tiến hành rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình để có phương án cho học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn; tăng cường truyền thông nâng cao ý thức cho giáo viên và học sinh, không để xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước sau lũ, sẵn sàng ứng phó với bão số 6.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nguyễn Tân nhấn mạnh: Đối với các trường còn ngập, lụt hoặc trường có nhiều học sinh vùng ngập lũ chưa thể đến được trường, các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình để có phương án tổ chức đi học trở lại sau ngày 18/10 và lưu ý bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh; chú trọng tăng cường công tác truyền thông việc chấp hành an toàn cho giáo viên, nhân viên và học sinh khi tham gia giao thông qua sông, khe suối, vùng thấp trũng, sạt lở… không để xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước sau lũ. Ngành giáo dục cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân có phương án hỗ trợ các em học sinh có đủ sách vở khi đến trường.

Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Lê Văn Quyết cho biết, do địa phương nằm ở vùng thấp, trũng cho nên sân trường và các tuyến đường đến trường còn ngập nước, xã yêu cầu lãnh đạo các trường bám sát tình hình để vệ sinh trường lớp và tổ chức đón học sinh đi học trở lại, nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các em. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường lên kế hoạch dạy bù để không bị ảnh hưởng đến chương trình dạy học. Đáng lo nhất hiện nay là nước rút rất chậm, trong khi Quảng Bình lại bắt đầu mưa do ảnh hưởng của bão số 6 và không khí lạnh. Rất có thể xảy ra lũ chồng lũ...