Sự cố đã để lại nỗi đau thương, mất mát quá lớn cho nhiều gia đình và gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn giao thông đường thủy.
Trở lại vùng biển Cửa Đại vào những ngày này, trời nắng ấm, biển êm đềm hơn những ngày cuối tháng 2. Thấp thoáng ngoài khơi xa, vẫn có các phương tiện đang đưa khách ra tham quan Cù Lao Chàm; ở ven bờ có nhiều ngư dân đang chèo thuyền thả lưới; nhưng không khí nơi đây vẫn còn ảm đạm và trầm buồn.
Ca-nô tiếp tục ra Cù Lao Chàm
Khoảng 14 giờ 10 phút ngày 26/2, trên tuyến đường thủy từ Cù Lao Chàm-Cửa Đại (Quảng Nam) xảy ra vụ lật ca-nô mang biển kiểm soát QNa 1152 (của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông, đóng tại phường Cửa Đại, Hội An) do ông Lê Sen (sinh năm 1970, trú khối Phước Trạch, phường Cửa Đại, Hội An) làm thuyền trưởng, đang trên đường từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền.
Đến địa điểm cách Trạm Biên phòng Cửa Đại khoảng 1,5 hải lý về hướng đông, ca-nô bất ngờ bị lật úp. Khi xảy ra sự cố, trên ca-nô có 39 người, trong đó có 3 thuyền viên và 36 hành khách.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn phân trần, việc đưa du khách ra tham quan đảo Cù Lao Chàm đã thực hiện hơn 10 năm rồi và cũng có nhiều lần xảy ra sự cố trên biển, nhưng đều không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, trong vụ lật ca-nô tại Cửa Đại vào chiều 26/2, chỉ có 22 người được cứu sống, còn 17 du khách mãi mãi ra đi; trong đó, có hai em nhỏ mới ba tuổi.
“Hiện nay, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, nhiều đoàn khách vẫn tiếp tục ra tham quan đảo Cù Lao Chàm. Điều này làm địa phương rất lo lắng, nhưng theo quy định pháp luật, không có cách gì để dừng được. Bởi doanh nghiệp sắm phương tiện, đăng ký bảo đảm theo quy định pháp luật, khách đã đặt theo tua tuyến. Nếu chúng tôi không cho tàu thuyền, ca-nô ra Cù Lao Chàm thì sẽ ảnh hưởng quyền lợi doanh nghiệp, du khách”, ông Sơn chia sẻ.
Thượng tá Võ Văn Minh, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, sau vụ việc, qua kiểm tra cho thấy, phương tiện và người điều khiển có giấy tờ đầy đủ. Trước khi xuất bến, ca-nô này được lực lượng biên phòng kiểm soát chặt chẽ.
Sau khi trục vớt phương tiện đưa vào bờ thì phát hiện, chiếc ca-nô bị hư hỏng nặng; phần mũi ca-nô vỡ toác. Toàn bộ cửa kính hai bên hông vỡ nát, hư hỏng; phía trên trần giập nát... Đánh giá ban đầu được xác định là do sóng to, gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn làm ca-nô lật úp, dẫn đến vụ tai nạn chết người.
Công an tỉnh Quảng Nam đang phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục thu thập máy ra-đa, máy định vị của chiếc ca-nô gặp nạn để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
Khẩn trương điều tra nguyên nhân
Thông tin chúng tôi nắm được, trong bản tin phát lúc 4 giờ ngày 26/2 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đã cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển của vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; tầm nhìn xa trên 10 km, giảm xuống 4-10 km trong mưa; sóng biển cao từ 1,5-2,5 m; biển động; cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Qua đó, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đề nghị thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Nam, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực bắc Biển Đông, vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao.
Thế nhưng, các cơ quan chức năng lại cho nhiều tàu thuyền từ Cửa Đại vượt hơn 15 km đưa khách du lịch ra tham quan Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) rồi trở lại đất liền trong lúc gió to, sóng lớn.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, hiện có 43 doanh nghiệp vận tải đăng ký khai thác 130 ca-nô du lịch vận chuyển khách từ cảng Cửa Đại đi đảo Cù Lao Chàm. Trước năm 2018, ca-nô du lịch chở khách là loại mui trần, có mái che.
Quá trình di chuyển, ca-nô mui trần có thể bị nước bắn lên làm ướt du khách, nhưng nếu xảy ra sự cố, du khách dễ thoát ra ngoài. Còn trong vụ này, ca-nô gặp nạn thuộc loại mới chuẩn SB, được thiết kế kín mui, nên khi xảy ra sự cố lật ca-nô quá nhanh, phần lớn hành khách đều mắc lại bên trong, nên khó giải thoát, dẫn đến số người tử vong lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, vụ tai nạn đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan Trung ương, địa phương, doanh nghiệp cần xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất để vận chuyển an toàn hành khách trên các tuyến đường thủy.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn; qua đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời phát hiện những bất cập, hạn chế để kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến đường thủy Cửa Đại-Cù Lao Chàm.
Trước mắt, Phòng Cảnh sát giao thông Đường thủy phối hợp Thanh tra Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam) nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về giám sát tốc độ phương tiện thủy nội địa để triển khai thực hiện; tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nếu các quy định hiện hành của pháp luật không cụ thể hoặc chưa có, thì kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành để triển khai thực hiện. “Công an tỉnh cần khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm (nếu có) dẫn đến vụ tai nạn, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định.
Dư luận đang trông mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân chính xảy ra tai nạn, đó là do yếu tố thời tiết; luồng lạch, phương tiện không bảo đảm; hay do các cơ quan quản lý, cấp phép hay do thuyền trưởng không làm chủ tốc độ?...
Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, động cơ của thuyền trưởng khi tự tháo gỡ các thiết bị máy móc gắn trên ca-nô sau khi gặp nạn. Đồng thời, cần làm rõ những ẩn khuất, bất cập trong công tác quản lý, khai thác, giám sát việc vận chuyển hành khách trên các tuyến đường thủy nội địa, nhất là tuyến đường thủy Cửa Đại-Cù Lao Chàm.