Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Báo Nhân Dân nhận được thư của ông Phạm Văn Thụ, ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng phản ánh việc anh trai ông là liệt sĩ Phạm Văn Thu, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chưa được hưởng đầy đủ các chế độ của Đảng, Nhà nước đối với liệt sĩ. Từ thông tin ông Thụ phản ánh, phóng viên đã tìm hiểu, xác minh sự việc.
Liệt sĩ Phạm Văn Thu sinh năm 1935; quê quán: xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng; cha là cụ Phạm Văn Hưởng; mẹ đẻ là cụ Nguyễn Thị Tầng (đã mất khi ông 13 tuổi), mẹ kế là cụ Nguyễn Thị Tứ. Tháng 4/1953, khi tròn 18 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Đại đội 618, Tiểu đoàn 612, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Ngày 29/4/1954, ông đã anh dũng hy sinh khi đang cùng đồng đội tiến công tiêu diệt cứ điểm 505, cửa ngõ vào trung tâm Mường Thanh.
Là một trong hai chiến sĩ Điện Biên còn sống của Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 12), ông Vũ Đình Hới (tên gọi khác là Ới), sinh năm 1934, ở phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, kể: “Khi đó, tôi là chiến sĩ liên lạc Ban Tham mưu Trung đoàn 209. Tôi rất nhớ, đồng chí ấy hy sinh ngày 29/4, khi đánh chiếm cứ điểm 505. Sau khi đồng chí Thu hy sinh, đơn vị đã gửi giấy báo tử về gia đình”.
Bà Phạm Thị Ân, em gái liệt sĩ Phạm Văn Thu chia sẻ: “Năm ấy, tôi thấy đồng đội của anh Thu là ông Biểu (Khôi), người cùng xã mang giấy báo tử và một chiếc khăn quàng cổ của anh Thu về đưa cho gia đình. Khi đó, quê tôi chưa được giải phóng, vẫn còn đồn bốt địch, gia đình đang nuôi giấu cán bộ cách mạng, nên phải nén đau thương, không để địch phát hiện. Sau khi anh tôi hy sinh, gia đình được nhận Bằng Tổ quốc ghi công và Bảng Gia đình vẻ vang...”.
“Nhà tôi trước đây tường đất, mái rạ, trải qua nhiều trận bão lũ làm tốc mái, đổ nhà, hư hại tài sản và các giấy tờ, trong đó có Bằng Tổ quốc ghi công, Bảng Gia đình vẻ vang. Hiện gia đình chỉ còn giữ được “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”- ông Phạm Văn Thụ cho biết.
Năm 1973, chính quyền và nhân dân xã Đại Hợp đã xây phần mộ liệt sĩ Phạm Văn Thu trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Hợp, gia đình đã được hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ, cả bằng tiền và hiện vật. Vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán hằng năm, gia đình đều nhận được quà tặng của Chủ tịch nước và chính quyền thành phố Hải Phòng, tuy nhiên, nhiều năm qua, gia đình chưa được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ.
Từ năm 2019, theo ủy quyền của gia đình, ông Thụ đã có đơn gửi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Phạm Văn Thu nhưng không được giải quyết do không có bản sao Bằng Tổ quốc ghi công. Vì vậy, ông Thụ đã gửi đơn đến Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH); Sở LĐ-TB và XH thành phố Hải Phòng đề nghị tra cứu hồ sơ; cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Văn Thu. Điều khiến ông bất ngờ là cả hai cơ quan này đều trả lời với nội dung: Không quản lý hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Thu; Không có căn cứ giải quyết cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Văn Thu; đồng thời hướng dẫn ông làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Phạm Văn Thu.
Quá trình xác minh chúng tôi được biết, ngày 20/9/1982, Sở Thương binh-Xã hội Hải Phòng (nay là Sở LĐ-TB và XH thành phố Hải Phòng) đã cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” cho gia đình ông Thụ. Trong “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” ghi: “Chứng nhận liệt sĩ Phạm Văn Thu có một người thân ghi tên mặt sau được hưởng chế độ ưu đãi gia đình liệt sĩ. Họ và tên: Nguyễn Thị Tứ; ngày sinh: 1907; quan hệ với liệt sĩ: Mẹ. Bằng Tổ quốc ghi công số: xb.879b.P”. Như vậy, “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” nêu trên đã thể hiện rõ ông Phạm Văn Thu được công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công số: xb.879b.P
Tại Văn bản số 3658/XN-SLĐTBXH, ngày 13/11/2019, Sở LĐ-TB và XH thành phố Hải Phòng xác nhận: “Sở LĐ-TB và XH đang quản lý mộ liệt sĩ Phạm Văn Thu, sinh năm 1935, nguyên quán: Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng; hy sinh ngày 29/4/1954. Mộ liệt sĩ Phạm Văn Thu đang được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng từ năm 1973, tại vị trí mộ số 7, hàng số 9, lô A”. Cũng tại văn bản này, Sở LĐ-TB và XH thành phố Hải Phòng nêu: Sở không quản lý hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Thu.
Chúng tôi được biết, năm 1994, để phục vụ lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấp hành chỉ thị của Bộ quốc phòng và Tổng cục Chính trị, căn cứ vào hồ sơ lưu trữ chống thực dân Pháp, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cùng với Cục Tổ chức động viên-Bộ Tổng Tham mưu đã lập danh sách liệt sĩ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tại số thứ tự 164, quyển sổ số 1
Danh sách các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi: “Họ và tên: Phạm Văn Thu; quê quán: Đại Hợp, Kiến Thụy, Kiến An; ngày nhập ngũ: Tháng 4/1953; Đơn vị: C618 D612 E209 F312; Cấp bậc, chức vụ: Chiến sĩ; ngày hy sinh: 29/4/1954; Trường hợp hy sinh: Đánh lấn đồi 505, Đội 210-Điện Biên Phủ. Họ tên thân nhân: Phạm Văn Hưởng”.
Căn cứ vào hồ sơ, danh sách đăng ký liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp của Sư đoàn 312 từ năm 1954 đang lưu trữ tại đơn vị, ngày 27/3/2024, Sư đoàn 312, Quân đoàn 12 có “Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh”, nội dung như sau: Sư đoàn 312 xác nhận liệt sĩ Phạm Văn Thu, quê quán: Đại Hợp, Kiến Thụy, Kiến An; ngày nhập ngũ: Tháng 4/1953; Đơn vị: C618 D612 E209 F312; cấp bậc, chức vụ: Chiến sĩ; ngày hy sinh 29/4/1954; trường hợp hy sinh: Trong chiến đấu; nơi hy sinh: Đánh lấn đồi 505, Đội 210-Điện Biên Phủ. Liệt sĩ có thân nhân sau: Bố Phạm Văn Hưởng.
Ngày 26/3/2024, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Điện Biên có Văn bản số 641/SLĐTBXH-NCC về việc xác nhận, cung cấp thông tin liệt sĩ Phạm Văn Thu. Văn bản cho biết: Năm 1994, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Lai Châu cũ, nay là Sở LĐ-TB và XH tỉnh Điện Biên nhận bàn giao 5 quyển sổ ghi Danh sách liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954) từ Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Tại số thứ tự 164, trang 39, quyển sổ số 1, có thông tin: Liệt sĩ Phạm Văn Thu; nguyên quán: Đại Hợp, Kiến Thụy, Kiến An; nhập ngũ: Tháng 4/1953; cấp bậc, chức vụ: Chiến sĩ; Đơn vị: C618 D612 E209 F312; Hy sinh ngày: 29/4/1954, được xác nhận liệt sĩ. Nơi hy sinh, trường hợp hy sinh, nơi an táng ban đầu: Đánh lấn đồi 505, Đội 210-Điện Biên Phủ. Họ tên và địa chỉ thân nhân: Phạm Văn Hưởng, ở nguyên quán.
Tuy nhiên, là cơ quan cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”, quản lý mộ liệt sĩ và thực hiện các chế độ, chính sách đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ nhưng Sở LĐ-TB và XH thành phố Hải Phòng lại trả lời đơn đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Văn Thu là: Không có căn cứ giải quyết cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Văn Thu, nguyên quán: Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng; đề nghị ông Phạm Văn Thụ liên hệ UBND xã Đại Hợp lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Phạm Văn Thu (Văn bản số 6177/SLĐTBXH-NCC, ngày 24/11/2023 về việc trả lời đơn thư công dân).
Vậy là, ông Thụ lại phải bắt đầu một hành trình dài về việc xác lập hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ đối với liệt sĩ Phạm Văn Thu. “Anh tôi hy sinh, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã được Đảng, Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công, có bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, có tên trong sổ vàng liệt sĩ, gia đình có Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, nhưng nay lại không được công nhận liệt sĩ và hưởng các chế độ liệt sĩ”- ông Thụ bức xúc nói.
Việc quản lý hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ là trách nhiệm của ngành LĐ-TB và XH. Những trường hợp để thất lạc hồ sơ liệt sĩ có thể do công tác lưu trữ của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, hạn chế và sự tắc trách của những cán bộ có trách nhiệm. Không thể vì lý do này mà để liệt sĩ mất đi sự tôn vinh của Ðảng, Nhà nước và thân nhân liệt sĩ phải chịu thiệt thòi.
Đề nghị Sở LĐ-TB và XH thành phố Hải Phòng phối hợp các cơ quan chức năng, địa phương kiểm tra, xem xét các thông tin, hồ sơ lưu trữ liên quan liệt sĩ Phạm Văn Thu, sớm cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công và thực hiện đầy đủ chế độ đối với liệt sĩ.