Từ giữa tháng Chạp, nhiều vườn đào ở phường Nhật Tân (Hà Nội) đã hồng rực sắc xuân. Những ngày này, người trồng đào đang hối hả thực hiện các công đoạn chăm sóc cuối cùng để đưa đào ra phố.
Tại vườn đào Tuấn Việt, một trong những vườn đào có diện tích lớn nhất ở Nhật Tân, không khí mua bán khá tấp nập. Ông chủ vườn đào Trần Tuấn Việt cho biết: Năm nay đào nhà tôi nở đúng dịp Tết, bông to đẹp. Gia đình tôi trồng khoảng 1.000 gốc, chủ yếu là đào thế. Đến rằm tháng Chạp, khách đã đặt cọc mua, thuê khoảng 90% số lượng đào của vườn. Vụ đào này, chúng tôi đầu tư hết hơn 2 tỷ đồng.
Giá bán ổn định, dự kiến cho lợi nhuận tốt. Giá đào có nhiều mức, dao động từ 6 triệu đến vài chục triệu đồng/cây, thậm chí có những cây lên đến cả trăm triệu đồng. Giá bán cao là do gốc đào già được trồng lâu năm, chi phí mua những gốc đào này lớn, có gốc chúng tôi mua vào với giá 30-40 triệu đồng. Thường ngày, chúng tôi chỉ cần thuê từ 2-3 nhân công chăm sóc vườn cây. Vào thời điểm cuối năm, mỗi ngày chúng tôi phải thuê hơn 20 nhân công mới bảo đảm công việc.
Làng đào Nhật Tân là nơi trồng đào có tiếng bậc nhất ở miền bắc, đào ở đây có nhiều loại như đào bích, đào phai, đào trắng, đào thất thốn… Đào Nhật Tân được người tiêu dùng ưa chuộng bởi bông to, mầu đẹp, cánh dày. Cả phường hiện có hơn 700 hộ dân gắn bó với nghề trồng đào. Những ngày giáp Tết, dọc đường Đê Quai và những con đường bê-tông dẫn ra các vườn đào, hoa đào đã bung nhụy, tung cánh hồng rực khoe sắc.
Theo đánh giá của các chủ vườn, ngoại trừ một số nhà vườn lớn thu hút đông đảo khách đến mua, nhìn chung thị trường không tấp nập, nhộn nhịp mua bán như mọi năm. Giá bán đào giữ ổn định. Đào cành dáng huyền, tán tròn tiếp tục được người chơi ưa chuộng. Tùy vào dáng, thế và đường kính, mỗi cành đào có giá từ 250.000 đồng trở lên. Đối với đào cây, giá dao động từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng, tùy vào kích cỡ.
Tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), mặc dù đã giáp Tết Nguyên đán nhưng theo đánh giá của các nhà vườn, sức mua chậm, giá bán thấp. Hiện tại, giá hoa cúc dao động từ 1.700-2.000 đồng/cành, hoa lily 55.000-70.000 đồng/bó, hoa cẩm chướng, lay-ơn có giá từ 25.000-30.000 đồng/bó…, với mức giá này nhà vườn chưa có lãi. Theo thống kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, vụ hoa dịp Tết Nguyên đán, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng gần 4.000 ha hoa, trong số đó, có khoảng 7 triệu chậu hoa phục vụ dịp Tết, hoa cắt cành cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tỷ cành.
Giá bán thấp, thị trường trầm lắng là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc là nơi trồng hoa lớn nhất của tỉnh Nam Định. Cả xã có hơn 310 ha canh tác các loại hoa như hoa cúc, lay-ơn, hoa lily... Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân Trần Trọng Chung cho biết, Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường tiêu thụ lượng hoa nhiều nhất trong năm.
Năm nay, giá hoa không tăng, thậm chí giảm so với năm trước. Thí dụ như hoa cúc, giá tại vườn hiện thương lái thu mua với mức giá 1.000 đồng/cành, trong khi năm trước giá bán ở mức 1.500-2.000 đồng/cành. Giá thấp và ít người hỏi mua. Với giá bán này, người trồng chỉ đủ bù chi phí phân bón, vật tư, cây giống chứ chưa có lãi. Đối với hoa lay-ơn, cả xã có hơn 100 ha, nở không đúng dịp Tết khiến bà con rất lo lắng.
Tại làng hoa Sa Đéc, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), tình hình tiêu thụ hoa cũng không mấy khả quan. Chị Lê Thị Băng Tuyền, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc cho biết, cùng thời điểm này những năm trước nhà vườn đã tiêu thụ được khoảng 70% số lượng hoa, năm nay chúng tôi mới bán được hơn 40%. Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết nhưng thương lái, khách lẻ đến mua sắm rất thưa thớt. Đối với cây cảnh lá, hoa đồng tiền, hoa hồng…, nếu không bán hết chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc cây để bán vào thời điểm khác. Điều đáng lo bây giờ là các loại hoa cúc, loại hoa này chỉ được một vụ, nếu không bán được nhà vườn coi như mất trắng.