Sôi động thị trường hàng hóa Tết tại thủ đô Vientiane

NDO - Bánh chưng, bánh tét, quất, đào, mứt...là những mặt hàng bán chạy tại thủ đô Vientiane (Lào) vào mỗi dịp Tết Nguyên đán Việt Nam, trong đó, có nhiều mặt hàng không chỉ được săn đón bởi cộng đồng người Việt Nam mà thậm chí cả người Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Mai, người có thể gói 200 chiếc bánh chưng trong một buổi sáng, hào hứng khoe mẻ bánh đang được xếp vào nồi. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)
Cô Mai, người có thể gói 200 chiếc bánh chưng trong một buổi sáng, hào hứng khoe mẻ bánh đang được xếp vào nồi. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Chị Thúy, năm nay 44 tuổi, là Việt kiều sinh ở Lào, làm chủ một cơ sở sản xuất và bán bánh chưng, bánh tét Việt Nam trên đường Nongbone ở thủ đô Vientiane.

Chị cho biết, hằng năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị đều mở rộng quy mô sản xuất bánh chưng, bánh tét phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của cộng đồng người Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất và tiêu thụ hết khoảng 200 cặp bánh chưng, 100 cặp bánh tét.

Chị Thúy chia sẻ, khách mua bánh chưng tại cơ sở của chị chủ yếu là người Lào, đối với mặt hàng bánh tét thì khách mua lại chủ yếu là người Việt Nam. Chị cho biết, người Lào thích ăn bánh chưng Việt Nam nên khách mua bóc cái nào ra là ăn hết cái đó, người Việt ăn bánh tét thì ăn tới đâu mới cắt tới đó.

Sôi động thị trường hàng hóa Tết tại thủ đô Vientiane ảnh 1

Cơ sở sản xuất của chị Thúy vận hành theo mô hình gia đình. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Cơ sở sản xuất của chị Thúy vận hành theo mô hình gia đình. Các thành viên làm hết các công đoạn, từ rửa lá dong tới gói bánh và luộc bánh. Cơ sở của chị vào mỗi dịp Tết sẽ mở bán cả ngày, tới tối đêm thì các thành viên luân phiên nhau trông nồi bánh. Mỗi cặp bánh chưng sản xuất tại cơ sở được chị Thúy bán với giá 120 nghìn kíp, tương đương gần 170 nghìn đồng. Mỗi cặp bánh tét được chị Thúy bán với giá 100 nghìn kíp, tương đương 140 nghìn đồng.

Dọc đường Nongbone, có hàng chục cửa hàng kinh doanh của người Việt, bày bán hầu hết các mặt hàng phục vụ nhu cầu sắm Tết. Cách cơ sở chị Thúy chừng 2 chục mét là cửa hàng bán bánh, mứt, kẹo và lịch của gia đình chị Bé Chòi.

Sôi động thị trường hàng hóa Tết tại thủ đô Vientiane ảnh 2

Chị Bé Chòi bên quầy kinh doanh của gia đình bán bánh, mứt, kẹo và lịch Việt Nam. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Chị Bé Chòi, quê gốc TP Hồ Chí Minh, đã sinh sống, làm ăn tại Lào được hơn 20 năm, cho biết, hằng năm, gia đình chị bán mặt hàng mứt Tết từ mùng 1 tháng Chạp và mở bán xuyên Tết cho tới hết ngày mùng 1 của năm mới. Mặt hàng mứt Tết của gia đình chị bán rất chạy, chủ yếu được gia đình chị mua từ TP Hồ Chí Minh và chuyển sang qua đường bộ, mất khoảng 1 tuần.

Ngoài bánh, mứt, kẹo, gia đình chị Bé Chòi còn bán các bộ lịch bloc và lịch treo tường của Việt Nam. Chị chia sẻ, mỗi bộ lịch bloc cỡ trung được bán với giá khoảng 120 nghìn kíp, tương đương gần 170 nghìn đồng, và bán rất chạy bởi lịch của Lào thường theo Phật lịch, khác với lịch âm của Việt Nam nên đa số người Việt Nam tại Lào thường mua lịch năm mới theo lịch của Việt Nam.

Cách gia đình chị Bé Chòi hai cửa hàng là nơi kinh doanh, buôn bán của gia đình chị Anh. Chị năm nay 51 tuổi, quê gốc Hà Nội, đã sinh sống tại Lào được hơn 20 năm. Chị cho biết, đến nay gia đình chị đã bước sang thế hệ thứ ba sinh sống tại Lào nhưng các con, các cháu chị đều nói tiếng Việt rất giỏi.

Mặt hàng gia đình chị Oanh kinh doanh chủ yếu là vàng, mã nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người Việt. Chị cho biết, ngoài một số mặt hàng đơn giản do gia đình tự sản xuất, còn lại chủ yếu vẫn được mang từ Việt Nam sang. Gia đình chị kinh doanh quanh năm nhưng vào mỗi dịp lễ, Tết của Việt Nam thì nhu cầu tăng mạnh và hàng hóa bán rất chạy.

Sôi động thị trường hàng hóa Tết tại thủ đô Vientiane ảnh 3

Những gốc đào sắc hồng được bày bán với giá khoảng 1,7 triệu đồng mỗi gốc. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Bên cạnh những mặt hàng thực phẩm truyền thống, Tết của người Việt có lẽ sẽ không thật sự trọn vẹn nếu thiếu cây quất, cành đào hay những chậu hoa đón xuân. Tại khu vực Saylom cách đường Nongbone khoảng 2km, hàng dài những chậu quất, cành đào và vô số các loại hoa đón xuân được bày bán để phục vụ những người đi sắm Tết ở thủ đô Vientiane.

Tại cơ sở kinh doanh cây cảnh của chị Hoa, những cây quất cao ngang đầu người được bán với giá khoảng 2,5 triệu kíp, tương đương 3,5 triệu đồng. Những cây quất nhỏ ngang hông người hoặc những chậu quất cảnh, được rao bán với giá 650 nghìn kíp, khoảng hơn 900 nghìn đồng.

Sôi động thị trường hàng hóa Tết tại thủ đô Vientiane ảnh 4

Những cây quất được bày bán tại khu vực Saylom có giá từ 900 nghìn đến 3,5 triệu đồng. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Cơ sở của chị Hoa không bày bán những cây mai vàng vì giá thành cao, chỉ có những cây đào sắc hồng được rao bán với giá 1,2 triệu kíp, khoảng gần 1,7 triệu đồng cho mỗi cây cao ngang đầu người.

Ngoài mặt hàng chủ yếu là đào, quất, chị Hoa còn bày bán rất nhiều loại hoa đón xuân, trong đó những khóm cúc mâm xôi đang vào kỳ vàng rực rỡ được rao bán với giá 220 nghìn kíp, khoảng 300 nghìn đồng cho mỗi khóm.

Chị Hoa cho biết, các loại cây và hoa đón Xuân được chị mang từ Việt Nam sang, do công vận chuyển nên giá thành cao hơn so với ở Việt Nam. Mặc dù vậy, các loại cây hoa của chị vẫn được nhiều người mua để chơi Tết, bên cạnh khách Việt thì còn có nhiều người Lào.

Sôi động thị trường hàng hóa Tết tại thủ đô Vientiane ảnh 5

Những khóm cúc mâm xôi đang vào kỳ vàng rực được rao bán với giá khoảng 300 nghìn đồng mỗi khóm. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, bà Nguyễn Kim Hoa, 61 tuổi cho biết, là một Việt kiều sinh sống tại Lào đã nhiều năm và cũng đã nhiều lần đón Tết cổ truyền tại Lào, nhưng trong không khí đón Xuân Quý Mão năm 2023, bà cảm thấy rất vui mừng bởi đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi.

Trong không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc, điều làm bà hạnh phúc nhất là khi được quây quần cùng các con, cháu cùng làm các món ăn truyền thống và trang trí nhà cửa theo phong tục Việt Nam.

Bà tâm niệm rằng, điều đó không chỉ giúp gợi nhớ đến hương vị Tết cổ truyền mà còn giúp giáo dục và truyền lại cho con cháu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.