Tại tại ấp Phèn Đen, Thị trấn An Lạc Thôn, nước sông chảy đã làm sạt lở gần 80m đường giao thông nông thôn và hàng cây tre, cây đa do người dân trồng giữ đất mé sông.
Trưa 20-7, có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận còn nhiều vết nứt và chân đất rất yếu, có thể gây sạt lở thêm diện tích đất phía trong.
Chiều cùng ngày, các hộ dân ven đoạn sông bị lở đã khẩn trương di dời nội thất ra phía sau nhằm tránh đất sạt lở.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Lạc Thôn Dương Lương Tâm cho biết, mấy ngày trước, chính quyền và ngành chức năng đến khảo sát các điểm có khả năng bị sạt lở nhưng tại địa điểm ấp Phèn Đen không hề có dấu hiệu sạt lở. Rất may, tại đây, sạt lở xảy ra vào ban đêm nên không có thiệt hại về người.
Khi nhận được thông tin, chính quyền đã cử lực lượng ứng trực thiên tai của thị trấn nhanh chóng xuống ấp hỗ trợ người dân di dời, khảo sát, khắc phục tuyến đường bị nước cuốn trôi. Ấp có gần 300 hộ dân, tuy sạt lở không gây khó cho giao thông vì còn có tuyến đường liên ấp nhưng người dân phải đi vòng nên mất thời gian.
Rất may, hàng trụ điện gần đó chưa bị ảnh hưởng nên ngành điện lực đã tranh thủ điều động lực lượng di dời vào trưa 20-7.
Tuy nhiên, đáng lo là, nếu chậm hàn tuyến đê, khả năng hàng chục ha trồng cây ăn trái sẽ bị ngập úng vào dịp triều cường vài ngày tới.
Cụ Huỳnh Thị Tố, 79 tuổi, một trong năm hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở đoạn sông này cho biết, khoảng 0 giờ sáng 20-7, khi nghe có tiếng động lạ, cụ mở cửa thì phía trước nhà, vốn là con đường bê-tông và hàng cây đã bị nước cuốn ra gần nửa sông nên vội đánh thức mọi người nhanh chóng di chuyển đồ đạc ra phía sau và báo chính quyền hỗ trợ.
Riêng tại ấp Phú Tây, xã An Mỹ, do sạt lở bờ sông Rạch Mộp xảy ra sáng 20-7 nên tuyến lộ bê-tông dài hơn 30m đã bị nước cuốn trôi làm ách tắc giao thông của nhiều hộ dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Bí, nhà cạnh lộ bê-tông, có chiếc đò neo đậu gần đó cũng bị hư hỏng nặng.
Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, Phạm Tấn Đạo cho biết, ngay từ đầu mùa mưa 2020, tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai các địa phương ứng trực, khảo sát thống kê các địa điểm có nguy cơ xả ra sạt lở; đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân sống gần khu vực bờ sông cảnh giác nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông.
Riêng tại Kế Sách, huyện đầu nguồn sông Hậu của tỉnh và là nơi thường xuyên xảy ra sạt lở, tỉnh đã khẩn trương xây dựng các công trình bờ kè, gia cố các tuyến đê xung yếu. Khi nhận được tin có xảy ra sạt lở, ngày 20-7, Ban chỉ đạo PCTT tỉnh đã khẩn trương xuống địa bàn phối hợp địa phương khắc phục, gia cố tuyến đê sạt lở và hỗ trợ người dân gặp khó khăn.