Số thu nội địa 7 tháng đầu năm tăng 13% so cùng kỳ

Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 đầu năm do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020

(Ảnh minh hoạ: VGP)
(Ảnh minh hoạ: VGP)

Đánh giá tình hình thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thuế cho biết, với tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng, tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 đầu năm do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể: thu từ dầu thô ước đạt 22.023 tỷ đồng, bằng 94,9% so với dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 60,8 USD/thùng, bằng 135,1% so với giá dự toán, bằng 125,1% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 5,55 triệu tấn, bằng 69,2% dự toán, bằng 95,1% so với sản lượng cùng kỳ.

Số thu 7 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ chủ yếu do cùng kỳ phát sinh khoản thu từ kết dư chi phí của Liên doanh Vietsovpetro.

Số thu nội địa cho thấy, ước đạt 741.781 tỷ đồng, bằng 67,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 590.373 tỷ đồng, bằng 66,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 118,6% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố gia hạn, miễn, giảm thuế thì tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Lý giải về tình hình thu ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đầu năm đạt khá, Tổng cục Thuế cho biết, chủ yếu là do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô-tô... 

Trong đó, khối các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao, đồng thời, các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ (dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…), cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro... đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp quý 4 và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng cao, lũy kế 7 tháng đầu năm tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng.

Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó thu từ chuyển nhượng bất động sản khu đô thị Phước Hưng của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Long Hưng (Đồng Nai) 2.268 tỷ đồng; Công ty Thành phố Xanh 250 tỷ đồng; Dự án bất động sản New Vision 336 tỷ đồng; Tập đoàn Bitexco 110 tỷ đồng;...

Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng khoảng 5.200 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, theo đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Cụ thể tăng từ: Thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty Thành phố Xanh do đánh giá lại tài sản góp vốn với Công ty kinh doanh Bất động sản MV1 Việt Nam 1.501 tỷ đồng; Thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của Công ty Showa cho Công ty Hitachi Automotive 871 tỷ đồng; Công ty sản xuất phanh Nissin Việt Nam phát sinh 338 tỷ đồng; Công ty Bayer Việt Nam 392 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Nam Long 255 tỷ đồng.

Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập  của các công ty chứng khoán tăng 1.100 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán tăng 1.900 tỷ đồng.  

Kinh tế những tháng cuối năm 2020 hồi phục khá, cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 01/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

Nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến nêu trên, tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%.

Tổng cục Thuế cũng đánh giá, mặc dù số thu 7 tháng đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với mức thực hiện cùng kỳ những năm gần đây do thu ngân sách bốn tháng đầu năm đạt khá.

Tuy nhiên, diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay, thu thuế phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%.

So với dự toán, có 12/18 khoản thu, sắc thuế có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 63%), trong đó một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 63,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,8%; Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 68,8%; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 77,6%; Lệ phí trước bạ ước đạt 67,2%; Thu từ xổ số ước đạt 78,9%; Tiền sử dụng đất ước đạt 81,3%; tiền thuê đất ước đạt 69,1%,...

Có 6/18 khoản có tiến độ thu chậm (đạt dưới 63%) như: thuế bảo vệ môi trường ước đạt 56,9%, phí, lệ phí ước đạt 57,4%; tiền bán nhà ước đạt 36%, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại ước đạt 54,5%, chênh lệch thu chi của Ngân hàng nhà nước ước đạt 16%.

So với cùng kỳ, có 12/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu như: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 17,9%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 15,6%; Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước tăng 40,1%; Thuế thu nhập cá nhân ước tăng 10,8%; Thuế bảo vệ môi trường ước tăng 5,8%; Lệ phí trước bạ ước tăng 23,5%; Phí, lệ phí ước tăng 4,2%; tiền sử dụng đất ước tăng 16%;...

Có 6/18 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ như: Thuế sử dụng đất nông nghiệp ước bằng 86,9%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bằng 94,9%, thu tiền cho thuê và bán nhà bằng 60,6%, thu khác ngân sách ước bằng 83,1%; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại bằng 74,3%...

Với kết quả thu ngân sách Nhà nước nêu trên, số thu ngân sách trung ương lũy kế 7 tháng năm 2021 ước đạt 327.500 tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán, bằng 107,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 436.305 tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán, bằng 117,8% cùng kỳ.

Dự báo tổng thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý tháng 8 đạt khoảng 57.000 tỷ đồng, bằng 5,1% dự toán, bằng 75,8% so với cùng kỳ. Nếu tính cả số gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP khoảng 6.400 tỷ thì bằng 84,3% so với cùng kỳ.

Trong đó: thu từ dầu thô dự báo đạt 3.300 tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán, bằng 141,3% so với cùng kỳ trên cơ sở dự báo sản lượng dầu thô khoảng 0,7 triệu tấn, bằng 8,7% dự toán, bằng 78,4% so với cùng kỳ, giá dầu bình quân đạt khoảng 74,5 USD/thùng, 165,7% dự toán, bằng 164,2% so với cùng kỳ.

Thu nội địa tháng 8 dự báo đạt 53.700 tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán, bằng 73,7% so với cùng kỳ, thu từ thuế, phí nội địa dự báo đạt 42.300 tỷ đồng, bằng 4,8% dự toán, bằng 73,3% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố chính sách gia hạn, miễn giảm thuế thì bằng 84,4% so với cùng kỳ.

Chính sách thuế