Cụ thể, Thừa Thiên Huế sơ tán 18.238 hộ với 63.768 người, Đà Nẵng sơ tán 35.229 hộ với140.868 người, dự kiến xong trước 15 giờ chiều 27-10.
Quảng Nam sơ tán 37.169 hộ 148.675 người, Quảng Ngãi sơ tán 24.507 hộ với 94.269 người, Phú Yên sơ tán 8.050 hộ với 27.653 người, dự kiến xong trước 17 giờ 27-10. Bình Định sơ tán 23.673 hộ với 96.513 người, dự kiến xong trước 19 giờ ngày 27-10.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển; quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-10.
Tính đến 6 giờ ngày 27-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu với 229.290 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, có 194 tàu với 1.305 lao động hoạt động trong vùng nguy hiểm từ 11-18 độ vĩ Bắc; tây 118 độ kinh Đông. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.
Sáng 27-10, hai Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với bão số 9 tại các tỉnh từ Bình Định đến Đà Nẵng.
Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tại thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng.
Các Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện chỉ đạo triển khai ứng phó với bão.
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Kon Tum đã có công điện, văn bản chỉ đạo và triển khai ứng phó với bão như: tổ chức thông báo, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển trú tránh, neo đậu; gia cố, di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản; rà soát, chuẩn bị sơ tán dân khu vực nguy hiểm; sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.