Thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm vi-rút Varicella Zoter. Vi-rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng hay dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Thời kỳ lây truyền của bệnh là một, hai ngày trước khi phát ban và trong vòng năm ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ bảy đến 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo; nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
Trẻ em từ hai đến tám tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, nhất là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em. Trước đây, trẻ em dưới mười tuổi hay mắc bệnh này, thì nay nhóm tuổi 20 đến 25 lại nhiều hơn. Nguyên nhân là do trẻ em sinh ra sau này được chú ý tiêm vắc-xin phòng bệnh nhiều hơn so với những người lớn tuổi vốn chưa được chủng ngừa trước đó.
Theo TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), nếu người lớn chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây, có xu hướng nặng hơn trẻ em. Bệnh diễn biến lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng một, hai tuần. Tuy nhiên, ở những người có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch thì có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não... Phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở ba tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh…
Thời gian vừa qua, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu, và cũng có tới hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não... Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao. Như trường hợp người bệnh B.T.M.H (27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống (đã bảy năm) kèm thêm mắc hội chứng Raynaud... Ngày 1-3, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt ngày thứ hai và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình. Chỉ một ngày sau, người bệnh khó thở, gắng sức, ho ít, thể trạng suy kiệt... Phim chụp X-quang và các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Mặc dù đang điều trị tích cực, nhưng các bác sĩ tiên lượng rất dè dặt.
Bệnh viện Nhi T.Ư cũng liên tục tiếp nhận các bệnh nhi đến khám vì bị thủy đậu. Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, các ca bệnh đều nhẹ, ít biến chứng, cho nên sau khám, các bác sĩ đều kê đơn cho điều trị tại nhà.
TS Đỗ Duy Cường cho biết, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng cần điều trị sớm; dùng các biện pháp chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể sạch sẽ, không cần phải kiêng cữ (kiêng gió, kiêng nước...). Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh, nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu để bảo đảm sức khỏe cho chính mình. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ bảy đến 10 ngày, từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi (tốt nhất nên tiêm hai mũi vắc-xin, cách nhau ít nhất ba tháng).
Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng một tháng. Tuy nhiên, nếu lỡ tiêm rồi mới biết mang thai thì cũng không nên lo, vì chưa có nghiên cứu nào xác nhận loại vắc-xin này gây hại cho thai nhi. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi. Người từng mắc bệnh có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn, bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời.