Theo Giám đốc PAHO, Tiến sĩ Carissa Etienne, trong tuần qua, châu lục này ghi nhận 29 nghìn ca tử vong, giảm 9% so với tuần trước đó, trong khi số ca mắc mới Covid-19 cũng theo đà giảm 28%, với 2,2 triệu ca bệnh mới ghi nhận trong tuần.
Tuy nhiên, bà Etienne cũng cảnh báo, mặc dù số ca mắc và tử vong đang giảm nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiến triển chưa đồng đều ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Mỹ.
Trong đó, vùng Caribe đang tụt hậu trong nỗ lực chung của châu Mỹ ứng phó đại dịch Covid-19. Khu vực này mới chỉ có 63% dân số đủ điều kiện được tiêm ngừa Covid-19, trong khi cũng có sự khác biệt lớn giữa các khu vực.
Trong số 13 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ chưa đạt được mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho 40% dân số như đã đặt ra bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 10 quốc gia thuộc vùng Caribe.
Nhiều khu vực vẫn đang trong giai đoạn chứng kiến các số ca nhiễm Omicron gia tăng, do đó các nước vẫn cần phải cảnh giác và duy trì các biện pháp phòng dịch đã được chứng minh là hiệu quả, Giám đốc PAHO khuyến nghị.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ qua, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận 117.135 ca mắc mới, trong đó Mỹ chiếm phần lớn với 75.300 ca, trong khi Nam Mỹ có thêm 179.747 ca bệnh. Những con số này đều đã giảm mạnh so với giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Omicron trước đây.
Tâm dịch châu Âu vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới trong 24 giờ qua, với thêm 874.644 ca được ghi nhận, trong đó Đức có số mắc mới cao nhất châu lục và cũng đứng đầu thế giới với 219.859 ca.
Tiếp đó là châu Á với tổng 621.730 ca bệnh ghi nhận trong ngày. Đáng chú ý, Hàn Quốc dẫn đầu châu Á và đứng thứ hai thế giới về số ca mắc mới với 171.448 ca. Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới vượt mốc 170 nghìn ca/ngày. Tiếp đến là Nga với 137.642 ca mắc mới.
Tính đến 9 giờ sáng 24/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 430.112.281 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.936.424 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 358.517.350 người, trong khi vẫn còn 79.480 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Ngày hôm qua, thêm nhiều nước đã công bố lộ trình dỡ bỏ thêm các hạn chế phòng dịch và tái mở cửa trở lại khi tình hình dịch bệnh dịu bớt. Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố, chính phủ nước này sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp do Covid-19 vào ngày 31/3 tới, vốn được thiết lập từ ngày ngày 31/1/2020.
Ông Draghi cho biết, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của đại dịch và sẵn sàng can thiệp trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát. Tuy nhiên, mục tiêu của chính phủ là mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước càng sớm càng tốt. Ngoài ra, yêu cầu xuất trình thẻ sức khỏe xanh chứng nhận đã tiêm chủng hoặc khỏi Covid-19 sẽ được dỡ bỏ dần dần, bắt đầu với các hoạt động ngoài trời.
Số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 tại Italia đã giảm trong những tuần gần đây. Bộ Y tế Italia cho biết, nước này ghi nhận 49.040 ca mắc trong 24 giờ qua, giảm so với 60.029 ca 1 ngày trước đó, trong khi số ca tử vong giảm xuống 252 ca so với 322 ca báo cáo ngày trước đó.
Chính phủ Ba Lan cùng ngày thông báo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch từ ngày 1/3 tới, song vẫn áp dụng quy định đeo khẩu trang tại khu vực công cộng trong nhà, bao gồm tại các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.
Theo Thủ tướng Mateusz Morawiecki, những giới hạn về số lượng người được phép đến các cửa hàng, nhà hàng và địa điểm văn hóa sẽ được dỡ bỏ. Ngoài ra, các tụ điểm giải trí sẽ được phép mở cửa trở lại trong khi các cơ quan chính phủ cũng khôi phục hoạt động bình thường.
Ba Lan ghi nhận 20.456 ca mắc mới và 360 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong 24 giờ qua. Gần 66% dân số trưởng thành nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, Bộ Y tế Iceland ngày 23/2 thông báo sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế còn lại từ ngày mai, bao gồm giới hạn số lượng người tối đa 200 người trong không gian kín và giờ mở cửa đối với các quán bar. Ngoài ra, nước này cũng sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới với quốc tế.
Với dân số khoảng 368 nghìn người, Iceland đã ghi nhận từ 2.100 đến 2.800 ca nhiễm/ngày trong những ngày gần đây. Hơn 115 nghìn ca nhiễm đã được ghi nhận trong suốt đợt dịch cùng 60 ca tử vong do Covid-19.
Cùng ngày, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết, chính phủ nước này sẽ không yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời ở những khu vực có hơn 70% dân số đã được tiêm ngừa Covid-19.
Colombia đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số. Hơn 33 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng, trong khi hơn 8 triệu người đã được tiêm liều tăng cường. Colombia ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát, với 138.285 ca tử vong do Covid-19.
Trong khi đó, Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm phòng Covid-19 để tới các địa điểm bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại và nhà hàng. Quy định này sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày hôm nay, kèm theo việc thắt chặt một số yêu cầu phòng dịch khác như đeo khẩu trang ngoài trời và không được phép bỏ khẩu trang để ăn uống trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đặc khu này đang trong làn sóng bùng phát mạnh các ca nhiễm, với kỷ lục mới 8.674 trường hợp nhiễm Covid-19 ghi nhận trong ngày hôm qua. Trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe đang trong tình trạng quá tải do số ca mắc tăng đột biến, cũng như năng lực xét nghiệm, điều trị và cách ly đã đến mức tối đa, các nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Công cảnh báo, số ca nhiễm mới có thể đạt đỉnh 180 nghìn ca/ngày vào tháng tới.