Số ca nhiễm mới trên toàn thế giới giảm 12% trong 7 ngày qua

NDO -

Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 14-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 176,7 triệu ca Covid-19, trong đó có hơn 3,81 triệu ca tử vong. Trong 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu khi số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 12%.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 297.607 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với mức hơn 372.000 ca nhiễm một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày qua chủ yếu tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (67.290 ca), Brazil (36.998 ca), Colombia (28.519 ca), Nga (14.7230 ca), Argentina (13.043 ca), Indonesia (9.868 ca),....

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi dịch bệnh với tổng số hơn 34,3 triệu ca, trong đó có hơn 615.000 ca tử vong. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với hơn 29,5 triệu ca nhiễm, hơn 374.200 ca tử vong. Brazil tuy đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm với hơn 17,4 triệu ca nhưng quốc gia này ghi nhận số ca tử vong cao thứ 2 thế giới (sau Mỹ) với hơn 487.400 ca.

Trong 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu khi số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 12%. Trong đó, số ca nhiễm mới tại châu Á giảm 23%, châu Âu giảm 14%, Bắc Mỹ giảm 7% và Nam Mỹ giảm 2%. Tuy nhiên, tại châu Phi và châu Đại dương tình hình dịch bệnh trong tuần qua lại diễn biến phức tạp khi đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên, với mức tăng lần lượt là 40% và 15%.             

Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, Cuba ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nước này với 1.470 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong do Covid-19. Theo Bộ Y tế Cuba, đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 157.708 ca, trong đó 1.087 không qua khỏi.

Tại Israel, Bộ Y tế nước này cho biết số bệnh nhân có triệu chứng diễn biến nặng đã giảm 30% trong ngày 13-6, ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua (kể từ ngày 8-6-2020). Trước đó, ngày 26-1, Israel ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng ở mức cao chưa từng thấy với 1.181 ca.

Tính đến nay, Israel đã tiêm vaccine Covid-19 cho gần 5,48 triệu người, tương đương 58,8% dân số nước này. Dự kiến, từ ngày 14-6 Israel sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia và Ukraine.

Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13-6 cho biết lãnh đạo Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí chia sẻ ít nhất 870 triệu liều vaccine cho COVAX, và ít nhất một nửa số vaccine cam kết này sẽ được bàn giao trong cuối năm 2021. Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh nhiều nước đang thiếu vaccine nghiêm trọng trong khi chưa thể kiểm soát dịch Covid-19.

Cũng liên quan đến vaccine, ngày 12-6, ông Alexander Gintsburg, Viện trưởng Viện Gamaleya, người đi đầu trong việc phát triển vaccine Sputnik V phòng Covid-19 ở Nga, cho biết nước này đã thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 dạng xịt mũi phù hợp với trẻ em từ 8-12 tuổi và có kế hoạch ra mắt sản phẩm mới này vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, ông Gintsburg không nêu chi tiết về cuộc nghiên cứu này.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Gintsburg trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thuốc xịt cho trẻ em được sử dụng cùng một loại vaccine, chỉ thay kim tiêm bằng vòi xịt. Liều vaccine cho trẻ em dự kiến sẵn sàng được đưa vào sử dụng trước ngày 15-9.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ em từ 8-12 tuổi và không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào trong nhóm được thử nghiệm, trong đó không làm tăng nhiệt độ cơ thể.