Số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trên thế giới có xu hướng giảm

NDO -

Theo thống kê của Worldometers, trong ngày qua thế giới ghi nhận 329.382 ca mắc mới và 4.717 ca tử vong do Covid-19. Trong hơn hai tháng qua, số ca mắc mới trên toàn cầu tính theo ngày liên tục duy trì ở mức hơn 400.000 ca.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người cao tuổi tại Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người cao tuổi tại Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Số ca mắc và nhập viện do Covid-19 tại Mỹ đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây. Các nhà dịch tễ học cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho thấy làn sóng lây nhiễm biến thể Delta đã chạm đỉnh trên toàn quốc. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca mắc mới hằng ngày trong trung bình 7 ngày giảm từ 151.000 ca vào ngày 14/9 xuống còn khoảng 106.000 ca vào ngày 29/9. Tương tự, số ca nhập viện do Covid-19 cũng có xu hướng giảm trong những tuần gần đây.

Theo một số chuyên gia, làn sóng mới có mức độ nguy hiểm như các làn sóng bùng phát trước đó có thể không xảy ra nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe dọa lớn do nhiều người chưa tiêm vaccine và nguy cơ từ biến thể mới. 

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya ngày 4/10 cho biết trong số những người trưởng thành của nước này, 70% đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 và 25% đã tiêm đầy đủ hai mũi.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Mandaviya tự hào viết: “Quốc gia hùng mạnh, tiêm chủng nhanh chóng: Ấn Độ đã tiêm một liều vaccine Covid-19 cho 70% người trưởng thành. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đang đạt được những dấu mốc mới trong cuộc chiến chống đại dịch”.

Trong ngày 4/10, Ấn Độ đã tiêm 7,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, nâng tổng số vaccine đã tiêm ở nước này lên hơn 910 triệu liều. Theo số liệu thống kê của chính phủ, trong tháng 5 vừa qua, Ấn Độ đã tiêm trung bình gần hai triệu liều/ngày. Con số này đã tăng mạnh lên 7,9 triệu liều trong tháng 9 vừa qua.

Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định, chương trình tiêm chủng là một công cụ để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong nước trước dịch Covid-19. Chương trình này sẽ tiếp tục được đánh giá và theo dõi thường xuyên ở cấp cao nhất.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cùng ngày cho biết, các trường học có tỷ lệ xét nghiệm dương tính với Covid-19 hơn 5% trong thời gian học trực tiếp (PTM) sẽ phải đóng cửa trong hai tuần.

Chính phủ Indonesia sẽ triển khai chương trình giám sát ngẫu nhiên tại 10% các trường tổ chức PTM ở mỗi quận, huyện và thành phố. Theo đó, 30 học sinh và ba giáo viên hoặc nhân viên của mỗi trường sẽ được lấy mẫu xét nghiệm để xác định tỷ lệ dương tính.

Theo ông Budi, đối với trường có tỷ lệ dương tính dưới 5%, chỉ lớp nào có ca mắc Covid-19 mới phải cách ly. Đối với trường có tỷ lệ dương tính dưới 1%, chỉ ca bệnh và những người tiếp xúc gần sẽ được cách ly và theo dõi chặt chẽ.

Bộ trưởng Budi cho biết trước đó một trường học tham gia chương trình PTM tại thủ đô Jakarta đã phải tạm đóng cửa để khử trùng khi có tỷ lệ dương tính trên 5%, mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trước đó, vào ngày 30/8, Indonesia đã cho phép mở cửa trở lại các trường học sau hơn một năm đóng cửa vì dịch bệnh, song chỉ giới hạn ở những khu vực thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-3.

Theo dữ liệu từ Lực lượng Xử lý Covid-19 thuộc Chính phủ Indonesia, có 63% cơ sở giáo dục trong tổng số hơn 210.000 trường học tại các khu vực trên cả nước áp dụng PPKM cấp độ 1-3 được phép mở cửa trở lại.

Các trường thuộc diện trên phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt; chỉ được phép hoạt động với 50% công suất và tối đa năm học sinh mỗi lớp trong khi thời gian mỗi tiết học được rút ngắn. Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5 m, không được tụ tập nói chuyện trong lớp học, phải đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường và không ai được ra khỏi lớp trong giờ nghỉ giải lao. Ngoài ra, tất cả giáo viên đều phải tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 5/10 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 236.125.379 ca mắc, 4.822.124 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 76.382.118 ca mắc, 1.129.295 ca tử vong
2. Châu Âu: 59.496.923 ca mắc, 1.230.775 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 53.697.918 ca mắc, 1.089.021 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 37.890.263 ca mắc, 1.157.204 ca tử vong
5. Châu Phi: 8.418.585 ca mắc, 212.785 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 238.851 ca mắc, 3.029 ca tử vong

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 44.664.711 ca mắc, 722.178 ca tử vong
2. Ấn Độ: 33.851.005 ca mắc, 449.283 ca tử vong
3. Brazil: 21.478.546 ca mắc, 598.185 ca tử vong
4. Anh: 7.934.936 ca mắc, 136.986 ca tử vong
5. Nga: 7.612.317 ca mắc, 210.801 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN: 
1. Indonesia: 4.220.206 ca mắc, 142.261 ca tử vong 
2. Philippines: 2.604.040 ca mắc, 38.828 ca tử vong 
3. Malaysia: 2.285.640 ca mắc, 26.759 ca tử vong 
4. Thái Lan: 1.647.362 ca mắc, 17.111 ca tử vong 
5. Việt Nam: 813.961 ca mắc, 19.845 ca tử vong 
6. Myanmar: 469.782 ca mắc, 17.921 ca tử vong 
7. Campuchia: 113.475 ca mắc, 2.406 ca tử vong
8. Singapore: 106.318 ca mắc, 121 ca tử vong
9. Lào: 25.524 ca mắc, 22 ca tử vong 
10. Brunei: 7.904 ca mắc, 60 ca tử vong

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới