Theo trang thống kê Worldometers.info, trong 7 ngày qua, có 10.645.105 ca mắc mới trên toàn thế giới, giảm nhẹ 16%.
Tương tự, số ca bệnh không qua khỏi cũng có chiều hướng giảm với 56.983 ca tử vong mới, giảm 18% so với 7 ngày trước đó.
Đặc biệt, số ca hồi phục cao hơn hẳn số mắc mới, với 15.446.525 bệnh nhân đã khỏi Covid-19 trong tuần.
Diễn biến dịch tại các châu lục đều có dấu hiệu cải thiện, khi số ca mắc mới giảm so với tuần trước đó, trừ châu Á và châu Đại Dương vẫn chứng kiến xu hướng tăng.
Với 4.851.707 ca, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất, song số ca lây nhiễm mới tại đây đã giảm tới 24% so với tuần trước đó. Hầu hết các quốc gia châu Âu đều ghi nhận tỷ lệ số ca mắc mới giảm dao động từ 4-54%.
Tương tự, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng chứng kiến số ca lây nhiễm mới giảm, với lần lượt là 594.250 ca và 899.887 ca, tương đương giảm 38% và 25%. Đặc biệt, số ca mắc mới ở Mỹ tiếp tục giảm mạnh 43%, xuống 395.713 ca, trong khi số ca tử vong cũng giảm mạnh 27% xuống 10.106 ca.
Dù vẫn dẫn đầu Bắc Mỹ về số ca bệnh mới và đứng đầu thế giới về số ca tử vong mới, đồng thời là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới trong đại dịch, nhưng những dấu hiệu cải thiện trong những tuần gần đây đã có thể giúp Mỹ dần nới lỏng các quy định phòng dịch. Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã hạ khuyến cáo về việc bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà tại hầu hết các địa phương trên cả nước.
Trong khi đó, châu Á ghi nhận tổng cộng 3.990.956 ca mắc mới trong tuần, chỉ xếp sau châu Âu, tăng 4% so với tuần trước. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất (đứng thứ nhì thế giới) với trên 1 triệu ca, tăng 69% so với 7 ngày trước đó, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 cũng tăng 66% lên 539 ca.
Dù ghi nhận mức giảm 18% số ca mắc mới, nước láng giềng Nhật Bản vẫn nằm trong nhóm nước có số ca mắc cao ở châu Á trong tuần, với thêm 473.461 ca bệnh. Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron đang hoành hành, Nhật Bản đang mở rộng độ tuổi tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, cũng như đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường.
Ngày 26/2, nước này bắt đầu triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở Tokyo và sau đó mở rộng ra cả nước trong tháng tới. Nhật Bản sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở độ tuổi này, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 3 tuần lễ. Theo kế hoạch, đến tháng 5, Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoảng 12 triệu liều vaccine cho các cơ sở y tế trên toàn quốc để tiêm cho trẻ.
Ở Đông Nam Á, tình hình dịch cũng đang diễn biến phức tạp, khi một số nước trong khu vực đều nằm trong tốp các nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất châu lục. Trong đó, Indonesia ghi nhận thêm 341.889 ca mắc mới trong tuần, Malaysia báo cáo thêm 197.956 ca, tăng 9%; Thái Lan thêm 157.301 ca, tăng 32%; Singapore cũng vượt ngưỡng 100 nghìn ca với 128.242 ca bệnh mới, tăng 13%.
Châu Đại Dương ghi nhận mức tăng 19% số ca mắc mới, với thêm 231.821 ca bệnh, chủ yếu tập trung ở Australia (159.913 ca). Đáng chú ý, dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại ở New Zealand, khi nước này ghi nhận mức tăng tới 425% về số ca mắc mới, với thêm 55.051 ca bệnh trong tuần.
Tính đến thời điểm sáng 28/2, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 435.985.589 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.967.991 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 366.329.678 người, trong khi vẫn còn 75.607 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 80.567.757 ca mắc và 973.119 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với 42.924.102 ca. Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 649.195 ca.
Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca mắc cao nhất, 7 nước còn lại là các nước châu Âu, gồm Pháp 22.689.332 ca, Anh 18.804.765 ca, Nga 16.291.116 ca, Đức 14.728.752 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 14.025.181 ca, Italia 12.764.558 ca và Tây Ban Nha có 10.977.524 ca.