Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận tổng cộng 755.787 ca mắc và 14.711 ca tử vong do Covid-19. Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca mắc và tử vong trong một ngày do Covid-19 cao nhất thế giới với 245.162 ca mắc và 3.747 ca tử vong.
Theo sau Mỹ về số ca mắc mới trong một ngày, gồm: Brazil (68.138 ca), Anh (55.761 ca), Tây Ban Nha (40.197 ca), Nga (24.715 ca),…
Về số ca tử vong, ngoài Mỹ, các nước Brazil, Anh, Đức, Mexico là các quốc gia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 ở mức trên dưới 1.000 ca.
Ngày 15-1, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã công bố kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19, theo đó sẽ mở rộng quy mô phản ứng của chính phủ liên bang, tập trung vào việc giúp đỡ các cộng đồng cư dân tại vùng nông thôn và cải thiện kênh thông tin liên lạc với các bang.
Theo kế hoạch, chính quyền của ông Biden sẽ huy động gần như tất cả số vaccine dự trữ để giúp đạt được mục tiêu mà ông cam kết trước đó với 100 triệu người dân Mỹ được tiêm trong 100 ngày đầu tiên khi ông lên nắm quyền.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh (HHS) Mỹ Alex Azar thông báo, chính quyền Mỹ sẽ không dự trữ vaccine cho liều tiêm thứ hai đối với những người được tiêm lần đầu tiên vì sẽ có đủ chuỗi cung ứng, đồng thời khuyến nghị các bang đủ điều kiện tiến hành tiêm chủng mở rộng cho tất cả người dân từ 65 tuổi trở lên và những người có bệnh tiền sử.
Tại Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã để ngỏ khả năng siết chặt hơn những quy định về hạn chế đi lại, bao gồm cả lệnh cấm đi lại bằng đường không, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trên khắp đất nước.
Phát biểu trước báo giới ở Thủ đô Ottawa, ngày 15-1, ông Trudeau nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các biến thể của virus SARS-CoV-2, các khu vực địa lý khác nhau và bảo đảm rằng chúng tôi đưa ra các quyết định đúng đắn và các biện pháp phù hợp để giữ an toàn cho người dân Canada".
Theo quy định hiện hành, tất cả khách nhập cảnh vào Canada phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi lên máy bay và bị cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.
Ngày 15-1, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, một triệu người dân Italy đã được tiêm phòng vaccine Covid-19. Đây được coi là kết quả khích lệ đối với Italy, sau hơn hai tuần triển khai chiến dịch tiêm chủng V-day vào ngày 27-12.
Trước đó, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Italy đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 30-4, cũng như mở rộng các biện pháp siết chặt hoạt động đi lại của người dân. Cấm mọi hoạt động di chuyển giữa các vùng, khu vực tự trị đến ngày 15-2, ngoại trừ lý do công việc, sức khỏe, hoặc tình huống cấp thiết. Từ ngày 16-1 đến 5-3, người dân chỉ được phép tới nhà người khác trong cùng vùng, cùng thành phố, mỗi ngày một lần, từ 5 giờ đến 22 giờ, với tối đa hai người và được phép kèm theo trẻ em dưới 14 tuổi.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 15-1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Tổng Giám đốc của hãng dược Pfizer đã bảo đảm sẽ cung cấp đủ số liều vaccine ngừa Covid-19 theo đơn đặt hàng của khối trong quý đầu tiên của năm 2021.
Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc ngày 15-1 đã dự báo về một năm tồi tệ và khó khăn tài chính nữa đối với các hãng hàng không thế giới do nhu cầu đi lại bằng đường không tiếp tục giảm vì đại dịch Covid-19.
Trong một báo cáo, ICAO cho biết đi lại bằng đường không trong năm 2020 đã giảm 60% do các quốc gia đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại để ngăn ngừa lây lan Covid-19. Với chỉ 1,8 tỷ lượt hành khách chọn đi lại bằng máy bay trong năm đầu tiên của đại dịch, so với con số 4,5 tỷ lượt hành khách của năm 2019, các hãng hàng không trên thế giới đã tổn thất 370 tỷ USD.
Các sân bay và các cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu thiệt hại tương ứng là 115 tỷ USD và 13 tỷ USD.
Triển vọng ngắn hạn của ngành hàng không theo ICAO là tiếp tục không mấy sáng sủa và sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào thành công của các loại vaccine ngừa Covid-19 vốn đang được nhiều nước trên thế giới triển khai tiêm phòng cho người dân.
ICAO đánh giá các chuyến bay nội địa đang có sự phục hồi mạnh hơn, đặc biệt tại Trung Quốc và Nga, nơi số lượng hành khách hàng không đã gần như trở lại mức trước đại dịch.
Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ 30 phút, sáng 16-1 (giờ Việt Nam).
Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
- Mỹ: 24.099.511 ca mắc, 401.801 ca tử vong
- Ấn Độ: 10.542.068 ca mắc, 152.094 ca tử vong
- Brazil: 8.394.253 ca mắc, 208.291 ca tử vong
- Nga: 3.520.531 ca mắc, 64.495 ca tử vong
- Anh: 3.316.019 ca mắc, 87.295 ca tử vong
- Pháp: 2.872.941 ca mắc, 69.949 ca tử vong
- Thổ Nhĩ Kỳ: 2.373.115 ca mắc, 23.664 ca tử vong
- Italy: 2.352.423 ca mắc, 81.325 ca tử vong
- Tây Ban Nha: 2.252.164 ca mắc, 53.314 ca tử vong
- Đức: 2.023.779 ca mắc, 46.537 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:
- Indonesia: 882.418 ca mắc, 25.484 ca tử vong
- Philippines: 496.646 ca mắc, 9.876 ca tử vong
- Malaysia: 151.066 ca mắc, 586 ca tử vong
- Myanmar: 133.378 ca mắc, 2.926 ca tử vong
- Singapore: 59.059 ca mắc, 29 ca tử vong
- Thái Lan: 11.450 ca mắc, 69 ca tử vong
- Việt Nam: 1.536 ca mắc, 35 ca tử vong
- Campuchia: 426 ca mắc
- Brunei: 174 ca mắc, 03 ca tử vong
- Timor-Leste: 51 ca mắc
- Lào: 41 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
- Bắc Mỹ: 27.488.761 ca mắc, 578.794 tử vong
- Châu Âu: 27.153.852 ca mắc, 618.949 ca tử vong
- Châu Á: 21.890.859 ca mắc, 354.502 ca tử vong
- Nam Mỹ: 14.471.614 ca mắc, 385.455 ca tử vong
- Châu Phi: 3.223.016 ca mắc, 77.743 ca tử vong
- Châu Đại Dương: 49.502 ca mắc, 1.071 ca tử vong