Theo trang thống kê worldometers.info, trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận trên 21,64 triệu ca mắc Covid-19 mới, giảm 7% so tuần trước đó, trong khi số ca tử vong vì đại dịch tăng 13%, với trên 63 nghìn người không qua khỏi.
Trong đó, Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh 38% số ca nhiễm mới trong tuần, với trên 2,95 triệu ca mới, so 4,75 triệu ca của tuần trước nữa. Số ca tử vong tại Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, với 15.221 ca, tăng 5%.
Theo báo New York Times, sau khi các ca Omicron tăng đột biến ở các bang như New York vào cuối tháng 12 năm ngoái, xu hướng giảm đang được duy trì ở nhiều bang trên toàn nước Mỹ, cho thấy dấu hiệu có thể nước này đã trải qua giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Omicron.
Tại bang Arizona, số ca nhiễm trung bình hằng ngày trong giai đoạn 7 ngày đã giảm từ mức cao nhất là 20.778 vào ngày 24/1 xuống 18.208 ca ngày 28/1, giảm khoảng 12% trong 5 ngày.
Trong khi đó, số ca nhiễm ở bang Utah đã giảm 35%, còn ở bang Mississippi giảm 25% kể từ khi đạt mức cao nhất vào ngày 19/1. Số ca nhiễm ở Bắc Dakota giảm 19% kể từ mức cao nhất ghi nhận vào ngày 22/1.
Song dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại tâm dịch châu Âu. Tuần qua, châu lục này ghi nhận trên 10,3 triệu ca mắc mới, chiếm gần một nửa số ca mắc toàn cầu, trong khi cũng có thêm 20.299 ca tử vong, giảm nhẹ 0.9%.
Trong đó, Pháp nhiều ngày qua liên tục chứng kiến số ca mắc mới dẫn đầu châu Âu, khiến nước này có thêm tới trên 2,36 triệu ca bệnh trong tuần, dù đã giảm 6% so 7 ngày trước. Đức cũng ghi nhận số ca mắc vượt ngưỡng 1 triệu, tăng 46%. Tiếp theo là Italia với 977.459 ca mới, Nga 628.816 ca, Anh 603.710 ca và Tây Ban Nha 600.050 ca. Đáng chú ý, số ca mắc mới tại Nga trong tuần đã tăng tới 106% khi nước này lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn ca bệnh trong 1 ngày.
Châu Á ghi nhận mức tăng nhẹ 0,8%, với thêm 4,66 triệu ca mới trong tuần, song số ca tử vong tăng 25%, lên 10.446 ca. Ấn Độ dẫn đầu châu lục với thêm 1,72 triệu ca dù mức này đã giảm 20% so 7 ngày trước. Quốc gia này đang chứng kiến làn sóng dịch thứ ba, với số ca nhiễm theo ngày lên tới hơn 230 nghìn ca. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản vaccine ngừa Covid-19 cho 75% dân số trưởng thành trong vòng 1 năm, tương đương hơn 705 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, Ấn Độ dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào giữa tháng 5 tới.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Nhật Bản vẫn đang tăng mạnh. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ năm vì dịch Covid-19, khi số ca nhiễm mới vẫn ở trên ngưỡng 80 nghìn ca/ngày. Trong tuần qua, số ca mắc mới tại nước này tăng 73%, với thêm 463.354 ca. Trong số 47 tỉnh, thành phố ở Nhật Bản, có tới 16 địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó thủ đô Tokyo vẫn là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất, với 17.433 ca, tăng 6.206 ca so với 1 tuần trước đó.
Ở Đông Nam Á, Philippines dẫn đầu khu vực về số ca mắc, với thêm 128.562 ca ghi nhận trong tuần qua, giảm 39%. Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Nam Á khác lại đang chứng kiến mức tăng mạnh, như Indonesia ghi nhận số ca mắc mới tăng tới 286% (thêm 56.807 ca), Singapore (34.558 ca) tăng 107%, Malaysia tăng 34% (33.039 ca).
Ở châu Đại Dương, sau khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt kể từ tháng 12/2021, Australia đang chứng kiến tỷ lệ mắc bệnh giảm nhanh chóng và ổn định trong 2 tuần qua. Riêng trong 7 ngày qua, nước này ghi nhận 371.875 ca mới, giảm 21% so 7 ngày trước đó. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế Australia đưa ra đánh giá làn sóng dịch ở đây đã đạt đỉnh. Hàng nghìn học sinh tại nước này cũng đã trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, học sinh được yêu cầu xét nghiệm 2 lần 1 tuần.