Trong làn sóng do biến thể mới Omicron có khả năng lây nhiễm cao, giới chức y tế nước này đã cảnh báo số ca mắc hàng ngày có thể tăng lên tới 15 nghìn ca.
Tuy nhiên, đa phần các ca bệnh mới tại Singapore không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Trong 28 ngày qua, nước này đã ghi nhận 85.357 trường hợp nhiễm Covid-19, và có tới 99,7% số này không biểu hiện hoặc có triệu chứng nhẹ.
Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ cho 89% dân số, trong khi 59% được tiêm liều tăng cường.
Bộ Giáo dục Singapore ngày 4/2 thông báo, sẽ có 70% học sinh tiểu học ở nước này được nhận mũi tiêm thứ hai vaccine phòng Covid-19 vào cuối tháng này. Theo bộ trên, các học sinh trong lứa tuổi 12-17 từ ngày 14/3 sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường trong vòng 270 ngày kể từ thời điểm tiêm đủ liều cơ bản.
Tại châu Á, cùng ngày, trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao, Hàn Quốc quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần, bao gồm cả yêu cầu đóng cửa lúc 9 giờ tối đối với các nhà hàng và giới hạn tối đa 6 người trong các cuộc nhóm họp riêng.
Các hạn chế trên dự kiến kết thúc vào chủ nhật này nhưng Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết, việc gia hạn là cần thiết để làm chậm đà lây lan của Omicron trong bối cảnh lo ngại kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, nước này đã báo cáo mức tăng kỷ lục trong ngày với 27.443 ca nhiễm mới.
Số ca mắc mới hàng ngày tại Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần trong 2 tuần qua, song số ca tử vong và bệnh trở nặng vẫn tương đối thấp, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Gần 86% trong số 52 triệu dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, với 53,8% được tiêm mũi nhắc lại.
Ngày 4/2, quan chức đứng đầu chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, sẽ sớm tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ 7,5 triệu cư dân của đặc khu, trong nỗ lực tăng cường nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới.
Hong Kong đang sản xuất 10 triệu bộ xét nghiệm nhanh để phục vụ chiến dịch xét nghiệm đại trà. Tuy nhiên, bà Lâm không nói rõ thời điểm và cách triển khai chiến dịch này như thế nào. Nhân dịp này, bà cũng thông báo gói cứu trợ bổ sung trị giá 20 tỷ đôla Hong Kong (2,6 tỷ USD) cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch hiện hành.
Ở UAE, hãng thông tấn nhà nước WAM cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới 12 quốc gia châu Phi đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ, bắt đầu từ ngày 6/2. Các quốc gia trên bao gồm Kenya, Tanzania, Ethiopia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.
Tại châu Âu, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen ngày 4/2 đã ký ban hành luật bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19 đối với người trưởng thành ở nước này, qua đó đưa Áo trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu áp dụng quy định này.
Luật sẽ có hiệu lực từ hôm nay, và được thực hiện theo từng giai đoạn. Theo đó, từ ngày 15/3 cảnh sát Áo sẽ bắt đầu xác minh tình trạng tiêm chủng của bất bất kỳ người dân nào trong các cuộc tuần tra thường xuyên. Việc kiểm tra kỹ lưỡng hơn sẽ bắt đầu trong giai đoạn thứ ba, sau khi số lượng người đăng ký tiêm chủng tăng cao.
Hiện khoảng 69% dân số Áo đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo luật mới, những người không tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể bị phạt đến 3.600 euro (4.109 USD) nếu vi phạm.
Cùng ngày, giới chức Hy Lạp cho biết sẽ cho phép khách du lịch có giấy chứng nhận tiêm chủng của châu Âu nhập cảnh vào nước này mà không cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 từ ngày 7/2.
Theo các quy định hiện hành, hành khách đi máy bay, bao gồm cả trẻ em trên 5 tuổi, phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện 24 giờ trước khi đến Hy Lạp, hoặc xét nghiệm PCR không quá 72 giờ để nhập cảnh vào nước này.
Hành khách sẽ được xét nghiệm ngẫu nhiên tại các sân bay, và nếu kết quả dương tính, du khách sẽ phải cách ly trong 5 ngày.
Bồ Đào Nha trước đó cũng thông báo sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm âm tính đối với khách du lịch.
Nước láng giềng Tây Ban Nha cũng thông báo sẽ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời từ ngày 8/2, chính thức chấm dứt biện pháp được tái áp đặt từ cuối tháng 12/2021 khi xuất hiện biến thể Omicron. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cho biết, quyết định trên được đưa ra trên cơ sở tình hình dịch bệnh đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây.
Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, cho đến nay, toàn cầu ghi nhận tổng cộng gần 391,5 triệu mắc Covid-19, trong đó có trên 5,74 triệu ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc cao thứ hai toàn cầu với hơn 42 triệu ca, nhưng đứng thứ ba về số ca tử vong với 501.143 ca. Brazil tuy đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với hơn 26,31 triệu ca, song đứng thứ hai về số ca tử vong với 631.069 ca.