Siết chặt quản lý dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu

NDO -

NDĐT – Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Y tế cho biết, từ ngày 15-12-2018 đến 15-4-2019, Bộ Y tế đã triển khai các Đoàn kiểm tra, thanh tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, qua đó xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi và gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại cuộc họp.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại cuộc họp.

Chiều 2-5, Bộ Y tế tổ chức họp tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019; triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc.

Tràn lan tình trạng hàng giả, hàng nhái "đội lốt" hàng xách tay

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, bốn tháng đầu năm 2019, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc; tra hậu mại mỹ phẩm; quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc tại bốn bệnh viện. Qua kiểm tra, thanh tra, đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 61 cơ sở, tổng số tiền phạt là 290 triệu đồng.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với thực phẩm, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Qua thanh tra, kiểm tra, đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở, tổng số tiền phạt là hơn chín trăm triệu đồng, trong đó hành vi phạm về quảng cáo, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố,...

Bộ Y tế cũng đã buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định. Kết quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công khai cơ sở vi phạm được cập nhật trên website vfa.gov.vn.

Ông Trương Quốc Cường cho rằng, một số vướng mắc phát sinh từ bản thân chính sách cũng là kẽ hỡ cho nhiều doanh nghiệp. “Việc cấp các giấy xác nhận qua dịch vụ công cấp độ 4 có nguy cơ cơ sở làm giả các giấy tờ pháp lý để scan trên hệ thống phần mềm dịch vụ công do các thiết bị scan, in mầu hiện nay rất tinh vi, chuyên viên thẩm xét khó xác định giấy tờ thật, giả”, ông Cường cho hay.

Trong khi đó, tình trạng lợi dụng bán sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe được giới thiệu là “hàng xách tay” trong đó có hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật đang ngày càng phát triển trên mạng xã hội, cần có sự vào cuộc của lực lượng quản lý thị trường và công an để kiểm soát.

“Tình trạng quảng cáo trên các trang mạng xã hội như youtube, facebook, zalo, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo. Cơ quan chức năng không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xứ lý vi phạm. Đặc biệt một số website chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát, khó xử lý”, ông Cường cho hay.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả thường thực hiện tại các địa điểm không đăng ký nên gây khó khăn đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành nên chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm.

Thứ trưởng Y tế cũng thừa nhận, sự vào cuộc của một số cấp chính quyền địa phương chưa quyết liệt, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ theo quy định trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Hiện nay, việc xử lý vi phạm ở địa phương còn tình trạng chưa nghiêm, tỷ lệ nhắc nhờ vẫn chiếm 68,09%. Lực lượng làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến huyện, xã chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đã làm hạn chế việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, hạn chế trong xử lý vi phạm hành chính.

Siết chặt quản lý dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu

Tại cuộc họp, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, có xu hướng gia tăng hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng với nhóm mặt hàng mỹ phẩm, hương liệu thực phẩm, thực phẩm chức năng tăng. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát sản xuất, kinh doanh của loại mặt hàng này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Siết chặt quản lý dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu ảnh 1

Ông Đàm Thanh Thế phát biểu tại cuộc họp.

Ông Đàm Thanh Thế khuyến nghị, Bộ Y tế cần tiếp tục, nghiêm túc, quyết liệt truyển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc nhằm giảm thiểu các vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý.

Theo đó, việc đấu tranh nên tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể, trọng tâm để đạt hiệu quả cao. Đồng thời, Bộ Y tế nên quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có đơn hàng nhập khẩu từ ngày 1-1-2017; Thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền (pha trộn tân dược).

Đối với thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu y học cổ truyền, Bộ Y tế sẽ tập trung hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Internet và môi trường mạng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thanh kiểm tra dược liệu “lậu” qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.