Siết chặt kỷ luật đối với học sinh vi phạm an toàn giao thông là cần thiết

NDO -

NDĐT- Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành Luật An toàn giao thông cho học sinh. Không chỉ dừng ở việc ký cam kết, Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định đưa ra mức kỷ luật bằng hình thức hạ hạnh kiểm, buộc thôi học có thời hạn đối với học sinh vi phạm.

Phần lớn các trường hợp đi xe đạp điện vi phạm an toàn giao thông bị xử lý là học sinh. (Ảnh: VOV)
Phần lớn các trường hợp đi xe đạp điện vi phạm an toàn giao thông bị xử lý là học sinh. (Ảnh: VOV)

Theo kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016-2020 của Sở GD-ĐT Hà Nội, 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học của Thủ đô sẽ phải ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông.

Cả cha mẹ học sinh sẽ phải ký cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Bên cạnh việc ký cam kết, Sở GD-ĐT Hà Nội còn đưa ra các hình thức khen thưởng và kỷ luật. Đáng chú ý, hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm sẽ là hạ hạnh kiểm, buộc thôi học có thời hạn.

Thực tế, trong thời gian gần đây, công tác giáo dục ATGT trong các nhà trường thường xuyên được đẩy mạnh. Thời điểm cao điểm của mỗi đợt tuyên truyền có thể nhận thấy rõ sự chuyển biến tích cực của học sinh khi tham gia giao thông nhưng rồi chỉ ngay sau đó, những quy định này không được học sinh duy trì thực hiện một cách nghiêm túc. Dễ dàng bắt gặp những học sinh ngồi sau xe máy, học sinh điều khiển xe đạp điện mà không có mũ bảo hiểm hay tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, kẹp ba, vừa đi vừa sử dụng điện thoại…Học sinh điều khiển xe đạp điện không tuân thủ an toàn giao thông thậm chí trở thành nỗi khiếp sợ của những người dân mỗi khi ra đường.

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết vẫn có một số lượng không nhỏ học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên các phương tiện tham gia giao thông. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giáo dục cùng những biện pháp khác để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ an toàn cho các em học sinh.

Trả lời báo chí về quyết định kỷ luật học sinh vi phạm an toàn giao thông, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: Các quy định xử phạt đưa ra trước đây chưa đến mức học sinh bị buộc đình chỉ học tập nhưng lần này Sở cương quyết đưa ra với mục đích răn đe, giáo dục lối sống của học sinh.

Rõ ràng, đây là biện pháp mạnh mẽ thể hiện sự quyết liệt đối với tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông với hy vọng sẽ đem lại hiệu quả triệt để trong công tác giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông và quy định của trường học Tuy thế, quy định này của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng “hình phạt” này sẽ không cải biến được học sinh mà chỉ làm các em thêm hư, để lại hậu quả là trong quá trình “chịu án” phạt các em sẽ bị hổng mất một lượng kiến thức đáng kể, hoặc sẽ nảy sinh tiêu cực do phụ huynh sẽ lo lót để con không bị hạ hạnh kiểm hay chịu phạt. Nhiều người cũng cho rằng các nhà giáo dục, nhà trường đang bí thế và thoái thác trách nhiệm, đẩy học sinh ra đường…

Bên cạnh đó, cũng còn có những băn khoăn về biện pháp đuổi học tạm thời liệu có mang lại hiệu quả như mong đợi? Bởi các em học sinh là nhóm đối tượng đặc biệt, đòi hỏi cách thức ứng xử và giáo dục phù hợp, mỗi biện pháp kỷ luật khi đưa ra cần cân nhắc thận trọng mới đạt được hiệu quả.

Nhưng dù nói thế nào, siết chặt kỷ luật, đặc biệt là trong chấp hành các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh nhằm giúp các em bảo vệ cho chính mình và cộng đồng là việc nên làm, nếu không muốn nói là cấp thiết. Chấp hành luật giao thông chính là chấp hành luật pháp và học sinh cần được rèn luyện ý thức này ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày 7-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra công văn số 925 về Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 – 2020, triển khai áp dụng đối với tất cả các đơn vị trường học, các cơ sở giáo dục trực thuộc thuộc trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, đối với các đơn vị trường học để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật - không có biện pháp xử lý kịp thời; không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.

Đối với cán bộ, viên chức, nhân viên, căn cứ mức độ lỗi vi phạm và số lần vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật công chức hiện hành và quy định của ngành

Đối với học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường xử lý như sau:

- Vi phạm lần 1: hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.

- Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

- Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần: Xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.