Thế giới ngày qua

Séc: Phong trào ANO thắng thế trong bầu cử

Theo Reuters và TTXVN, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng địa phương và Thượng viện Séc cho thấy, Phong trào ANO của đương kim Thủ tướng A.Babis giành thắng lợi tại phần lớn các thành phố, tuy nhiên lại để mất vị thế ở thủ đô Praha và Liberec.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ Công dân (ODS) có kết quả dẫn đầu tại thủ đô Pra-ha. Cuộc bầu cử hội đồng địa phương trên phạm vi toàn quốc lần này được xem là phép thử đầu tiên đối với uy tín chính phủ thiểu số của Thủ tướng A.Babis, liên minh giữa Phong trào ANO và CSSD được thành lập vào tháng 7-2018 vừa qua, cùng với sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Séc - Morava (KSCM).

Philippines: Cho phép nhập khẩu gạo theo hướng mở cửa

Tổng thống Philippines R.Duterte đã quyết định điều chỉnh chính sách nhập khẩu gạo theo hướng mở cửa nhằm “hạ nhiệt” giá gạo tăng liên tục trong thời gian gần đây. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines cho biết, Tổng thống Duterte đã cho phép hoạt động nhập khẩu gạo “không rào cản” như giải pháp nhằm bình ổn giá gạo ở quốc gia Đông - Nam Á này. Theo đó, với chính sách điều chỉnh nêu trên, Tổng thống Duterte hy vọng người dân được mua gạo với giá hợp lý, ngay cả khi giá dầu thô hoặc giá các loại dầu khác tiếp tục tăng.

Cameroon: Bất đồng về kết quả bầu cử tổng thống

Chính phủ Cameroon khẳng định, việc ứng cử viên phe đối lập M.Kamto tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua khi kết quả chính thức chưa được công bố là “vi phạm pháp luật”. Trước đó, bất chấp những cảnh báo của chính phủ về việc không được đưa ra những kết quả không chính thức, ứng cử viên Kamto - lãnh đạo Phong trào Tái sinh Cameroon (MRC) đối lập - đã tuyên bố vượt qua đương kim Tổng thống P.Biya - thủ lĩnh Phong trào Dân chủ Cameroon cầm quyền - để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 7-10. Toà án Hiến pháp sẽ chịu trách nhiệm công bố kết quả cuối cùng trong vòng 15 ngày tới.

Pakistan: Tìm kiếm gói cứu trợ từ IMF

Bộ trưởng Tài chính Pakistan A.Umar cho biết, nước này sẽ khởi động các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm tìm kiếm một gói cứu trợ giúp ổn định nền kinh tế và nguồn dự trữ đang suy giảm. Theo ông Umar, với chương trình này của IMF, Chính phủ Pakistan sẽ cố gắng hạn chế tác động đối với các tầng lớp có thu nhập thấp. Một bản đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Pakistan và Bộ Tài chính cho thấy Islamabad cần 11,7 tỷ USD để thanh toán nợ nước ngoài trong tài khóa 2018 - 2019.