Sẽ đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản

NDO -

NDĐT- Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Phúc lợi xã hội và Nạn nhân chiến tranh Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ, tạo cơ sở để triển khai phái cử và tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý của Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản trong thời gian tới.


Đại diện các cơ quan Việt Nam và Nhật Bản tại lễ ký kết (Ảnh: Dolab).
Đại diện các cơ quan Việt Nam và Nhật Bản tại lễ ký kết (Ảnh: Dolab).

Đây là thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Cơ quan này cho biết, trong bản ghi nhớ này, hai bên đã đưa ra các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên công ty phái cử phải đáp ứng khi triển khai chương trình.

Bên cạnh đó, theo bản ghi nhớ, phía Nghiệp đoàn Nhật Bản sẽ chi trả học phí đào tạo tiếng Nhật cho thực tập sinh trước xuất cảnh bảo đảm đáp ứng quy định của nước bạn cho công ty phái cử. Thực tập sinh tham gia chương trình không phải chi trả học phí đào tạo tiếng Nhật trình độ N4 trước xuất cảnh.

Ngoài ra, các nghiệp đoàn giám sát và tổ chức tiếp nhận Nhật Bản phải chịu trách nhiệm đào tạo tiếng Nhật và chuyên môn hộ lý để thực tập sinh thi đỗ kỳ thi chuyển giai đoạn sau một năm thực tập đầu tiên. Các nghiệp đoàn giám sát cũng phải chi trả phí quản lý phái cử cho doanh nghiệp phái cử trong suốt thời gian thực tập sinh thực tập tại Nhật Bản.

Trước đó, ngày 29-9-2017, Nhật Bản đã công bố chính thức Quyết định bổ sung ngành nghề hộ lý vào danh mục các ngành nghề được thực tập kỹ năng ba năm tại Nhật Bản, nâng tổng số ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài lên 77 ngành.

Do ngành hộ lý có những đặc thù riêng khác với các ngành nghề khác, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước đàm phán với Cục Phúc lợi xã hội và Nạn nhân chiến tranh, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, về việc xây dựng các quy định riêng liên quan đến phái cử và tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý của Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản bảo đảm phù hợp với pháp luật của hai nước.

Bên cạnh đó, chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản tới nay đã có 673 ứng viên từ năm khóa đào tạo xuất cảnh sang nước bạn làm việc.

Cuối tháng 7, báo chí Nhật Bản đưa tin, Chính phủ nước này đã nhất trí mời 10 nghìn điều dưỡng viên của Việt Nam từ nay đến năm 2020 sang làm việc, nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng của ngành điều dưỡng nước này.

Bước đầu, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận 3.000 điều dưỡng viên trong vòng một năm, với sự hỗ trợ tài chính từ phía Tokyo cho hoạt động đào tạo ngôn ngữ, và sau đó mở rộng quy mô lên 10 nghìn điều dưỡng viên trong hai năm.