Sẽ đưa ra những khung chính sách đặc thù để quản lý các loại khoáng sản chiến lược

NDO - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram, Bộ này đang nghiên cứu xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram, Bộ này đang nghiên cứu xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, theo chỉ đạo của Chính phủ, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram, Bộ này đang nghiên cứu xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 5/11, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường chung quanh Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Cần quy định cụ thể hơn về tiêu chí phân loại nhóm khoáng sản

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc phân loại và quản lý nhóm khoáng sản (Điều 6).

Theo đại biểu, dự thảo Luật hiện phân loại khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, nhưng tiêu chí phân loại chưa đủ cụ thể, dễ dẫn đến một loại khoáng sản có thể thuộc hai nhóm khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý mà còn dễ dẫn đến tình trạng khai thác lộn xộn, thất thoát tài nguyên.

Đặc biệt, đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp và xây dựng, có nhiều đặc thù về chất lượng và công dụng nên cần quy định cụ thể hơn, tránh lẫn lộn với các nhóm khoáng sản khác. Vì vậy, đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ ràng hơn về tiêu chí phân loại nhóm khoáng sản và cần có danh mục cụ thể về từng loại khoáng sản trong các nhóm.

Sẽ đưa ra những khung chính sách đặc thù để quản lý các loại khoáng sản chiến lược ảnh 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm về việc phân loại, làm rõ các loại khoáng sản chiến lược. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Quan tâm đến một số loại khoáng sản đặc biệt, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với khoáng sản công dụng cực kỳ quan trọng, hiện nay chủ yếu chia theo 4 nhóm; trong đó tại nhóm 1 có nhiều loại có vai trò đặc biệt như đất hiếm, vonfram, uranium, titan, băng cháy… Theo đại biểu, những khoáng sản này phục vụ cho việc chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn, xe điện, hàng không quân sự...

Đại biểu cho rằng, hiện nay, chúng ta đang “đánh đồng tất cả những tài nguyên trong nhóm 1” trong khi mỗi loại lại có “tầm chiến lược quan trọng” khác nhau. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định riêng cho các loại khoáng sản chiến lược quan trọng, đặc biệt là băng cháy, đất hiếm

Đồng tình với quan điểm trên, địa biểu Lý Minh Đức (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị xem xét bổ sung phân loại đất hiếm vào nhóm khoáng sản đặc biệt nhằm tận dụng hết thế mạnh đặc thù.

Băn khoăn về cấp phép khai thác

Liên quan đến vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) bày tỏ băn khoăn khi theo dự thảo luật, thời gian khai thác là không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần. Mặc dù vậy, tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Theo quy định, thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng cơ bản của dự án đã mất từ 8 đến 10 năm và Luật Đầu tư tại Điều 44 quy định là "đối với các dự án trong khu vực công nghiệp, khu công nghiệp thì phải không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm".

Sẽ đưa ra những khung chính sách đặc thù để quản lý các loại khoáng sản chiến lược ảnh 2

Quang cảnh phiên họp chiều 5/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Trên thực tế nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện thời gian trên cả vòng đời của dự án, vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43 năm, 45 năm và bao gồm cả thời gian cấp phép và thời gian gia hạn. Nhiều doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian khai thác than và mỗi lần gia hạn thì chỉ được gia hạn từ 2 đến 3 năm và lại vừa làm vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn. Đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập. Quy định về thời gian cấp phép, gia hạn khai thác khoáng sản của dự thảo luật giữ như hiện hành và không được sửa đổi, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu.

“Do đó, tôi tha thiết đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, căn cứ trên điều kiện địa chất của khoáng sản, của dự án, điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm vào điểm a khoản 4 của Điều 58 dự thảo luật để cho phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vướng mắc hiện nay”, đại biểu đoàn tỉnh Quảng Ninh đề xuất.

Sẽ đưa ra những khung chính sách đặc thù để quản lý các loại khoáng sản đặc biệt

Thông tin trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, về việc phân nhóm khoáng sản, từ kỳ họp trước đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến và hiện nay trong dự thảo luật đưa ra quy định phân nhóm khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, đây là một cách phân loại phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Chúng tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đó là tuy cùng một nhóm như khoáng sản nhóm 1 là khoáng sản kim loại nhưng có nhiều loại khoáng sản có tính chất, vai trò hay vị thế như một số đại biểu nêu khác nhau, như khoáng sản chiến lược, đất hiếm, vonfram hay có một số khoáng sản có tính chất đặc thù như bôxít hay, titan khi phân bố trên một bề mặt rộng, ở một chiều sâu không lớn", người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Sẽ đưa ra những khung chính sách đặc thù để quản lý các loại khoáng sản chiến lược ảnh 3

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết thêm, mặc dù các ý kiến phân loại rất thỏa đáng, nhưng nếu quy định chi tiết trong luật đến cả danh mục, thí dụ như nhóm 1A, nhóm 1B thì sẽ khó khăn. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết thêm, mặc dù các ý kiến phân loại rất thỏa đáng, nhưng nếu quy định chi tiết trong luật đến cả danh mục, thí dụ như nhóm 1A, nhóm 1B thì sẽ khó khăn. Ngoài ra, trong trường hợp khi phát hiện thêm các loại khoáng sản mới theo xu thế của thế giới hoặc tùy theo yêu cầu quản lý, sử dụng trong từng giai đoạn, hôm nay có thể là khoáng sản thông thường nhưng ngày mai lại trở thành khoáng sản chiến lược.

"Như vậy sẽ dẫn đến khó trong việc điều chỉnh về phân nhóm, phân loại này, cho nên Chính phủ đã đề xuất trong luật quy định giao cho Chính phủ quy định phân loại chi tiết", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải thích.

Cũng liên quan tới vấn đề trên, Bộ trưởng thông tin: Đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram không chỉ có các quy định trong dự thảo luật này mà hiện nay cấp có thẩm quyền cũng đưa ra chủ trương cần phải xây dựng chiến lược để quản lý các loại khoáng sản chiến lược này.

"Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ cũng đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản này", Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường nói.

Sẽ đưa ra những khung chính sách đặc thù để quản lý các loại khoáng sản chiến lược ảnh 4

Quang cảnh phiên họp chiều 5/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Trả lời băn khoăn của đại biểu về thời gian cấp giấp phép khai thác, Bộ trưởng cho biết: Quy định về thời gian là cộng cả thời gian cấp giấy phép lần đầu và thời gian gia hạn giấy phép tối đa là 50 năm, bằng với thời gian của dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư. Còn pháp luật về Luật Đầu tư có quy định trong một số trường hợp các dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, ở những địa bàn đặc biệt khó khăn thì có thể kéo dài thời gian đến 70 năm.

Vấn đề thứ hai, thời gian cấp giấy phép khoáng sản một mặt là để thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện hoạt động đầu tư khai thác chế biến nhưng đồng thời phải tính toán để giảm thiểu tác động không tích cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội khác như các dự án phát triển kinh tế-xã hội, đời sống sản xuất của nhân dân.

"Chính vì vậy chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới thì các nước phát triển quy định còn chặt chẽ hơn chúng ta rất nhiều, thậm chí như Hoa Kỳ là không quá 10 năm. Cho nên chúng tôi kiến nghị được giữ nguyên như quy định trong dự thảo hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh.