Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh, việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đã có những ưu điểm vượt trội so với việc giải quyết thủ tục tố tụng hình sự.
Theo đại biểu, tại Khoản 2, Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cũng như hình thức xử phạt và thủ tục xử phạt.
Cho rằng quy định như vậy là linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế phát triển của xã hội, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị giữ nguyên quy định này như trong luật hiện nay.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) đánh giá việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đại biểu nêu rõ, biện pháp này không những bảo vệ quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm trật tự quản lý hành chính. Đại biểu cũng cho biết thêm, việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn bảo đảm được quyền của các bên có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Theo ông Tùng, ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp, qua đó giúp kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hơn nữa, biện pháp này không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
Bên cạnh đó, việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một hay một số tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước và toàn xã hội.
Trong điều kiện hiện nay, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.
Ông Tùng cho biết thêm, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng không yêu cầu hạn chế việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật của quốc gia thành viên, mà thậm chí còn yêu cầu tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.