Saudi Arabia tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế

Saudi Arabia vừa công bố ba dự án sản xuất trong lĩnh vực sắt thép với tổng công suất 6,2 triệu tấn/năm, trị giá 35 tỷ riyal (tương đương khoảng 9,3 tỷ USD). Nền kinh tế lớn ở vùng Vịnh đang mở rộng các lĩnh vực công nghiệp, chế tạo và khai khoáng như một phần của chiến lược Tầm nhìn 2030 nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị sắt thép quốc tế Saudi Arabia. (Ảnh AISU)
Hội nghị sắt thép quốc tế Saudi Arabia. (Ảnh AISU)

Saudi Arabia đang nỗ lực giảm 50% lượng nhập khẩu sắt thép, với trọng tâm là duy trì một khu vực bền vững trên phương diện hoạt động, tài chính và bảo đảm sự thông suốt của các chuỗi cung ứng quan trọng như quặng sắt. Bộ trưởng Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản của Saudi Arabia, ông Bandar Al-Khorayef (B.An Khô-ray-ép) cho biết, nước này đang làm việc với các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài để tạo ra nhiều cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sắt thép. Các ưu tiên của Saudi Arabia bao gồm nội địa hóa các loại sản phẩm thép, chẳng hạn như thép tấm nặng cho ngành dầu khí, quốc phòng và xây dựng hay thép tráng thiếc cho ngành thực phẩm đóng hộp.

Theo công bố của Saudi Arabia tại Hội nghị sắt thép quốc tế Saudi Arabia, nước này sẽ xây dựng ba nhà máy thép với tổng vốn đầu tư khoảng 9,3 tỷ USD. Một trong số dự án này sẽ là khu liên hợp sản xuất thép tấm tích hợp với công suất 1,2 triệu tấn/năm. Sản phẩm của nhà máy sẽ được sử dụng trong lĩnh vực đóng tàu, sản xuất ống dẫn dầu và giàn khoan. Dự án thứ hai, hiện đang được đàm phán với các nhà đầu tư quốc tế, sẽ là khu liên hợp sản xuất thép với công suất hằng năm 4 triệu tấn thép cán nóng, 1 triệu tấn thép cán nguội và 200.000 tấn thép mạ thiếc và các sản phẩm thép khác. Sản phẩm của dự án này sẽ được sử dụng trong các ngành chế tạo ô-tô, sản xuất thiết bị gia dụng và ống nước. Nhà máy thứ ba sẽ được xây dựng để sản xuất thép khối tròn với công suất một triệu tấn/năm, phục vụ ngành dầu khí.

Kế hoạch triển khai ba dự án sản xuất thép được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ này đang tìm cách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thép, như một phần trong chương trình đa dạng hóa kinh tế của Riyadh. Với mục đích đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc của quốc gia vùng Vịnh vào lĩnh vực dầu mỏ, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (M.Bin Xan-man) đã công bố kế hoạch xây dựng thành phố thương mại NEOM vào năm 2017. Dự án này là một phần của chương trình Tầm nhìn 2030. Trải dài trên diện tích 26.500km2, NEOM là khu tổ hợp công nghệ cao khu vực Biển Đỏ, trong đó có nhiều khu công nghiệp và logistics, dự kiến hoàn thành quá trình xây dựng vào năm 2025. Thái tử Salman khẳng định dự án NEOM sẽ tạo ra giá trị 1.000 tỷ riyal cho thị trường chứng khoán Saudi Arabia; đồng thời cho biết, với ít nhất 1.200 nghìn tỷ riyal giá trị ban đầu, dự án này sẽ sớm phát triển đạt giá trị hơn 5.000 tỷ riyal.

Trọng tâm của kế hoạch Tầm nhìn 2030 là Chiến lược Đầu tư quốc gia (NIS) của Saudi Arabia, với mong muốn tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hằng năm lên 388 tỷ riyal (khoảng 103 tỷ USD) và tăng vốn đầu tư trong nước hằng năm lên 1.700 tỷ riyal vào năm 2030. Theo đó, NIS sẽ vạch ra các kế hoạch đầu tư toàn diện trong các lĩnh vực gồm sản xuất, năng lượng tái tạo, vận tải và logistics, du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và y tế. Trong số các biện pháp đề ra, NIS hướng tới thành lập các đặc khu kinh tế với các quy định và ưu đãi có tính cạnh tranh cao, chuyển giao các chuỗi cung ứng chiến lược và phát triển các giải pháp tài chính mới cho lĩnh vực tư nhân nhằm thúc đẩy hình thành luồng vốn.

Những năm qua, Saudi Arabia đã tiến hành một loạt những điều chỉnh trong lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, theo đó phụ nữ được phép lái xe, mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, cho phép tổ chức các chương trình hòa nhạc có sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc hai giới cũng như nhiều hoạt động giải trí khác. Quốc gia vùng Vịnh này đang xây dựng một hình ảnh về một quốc gia Arab năng động, đa dạng hóa nền kinh tế để không chỉ phụ thuộc nguồn tài nguyên dầu mỏ mà còn phát triển trên nhiều lĩnh vực.