Sau Tết lại lo thực phẩm bẩn

Theo bạn đọc phản ánh, thời điểm sau Tết Nguyên đán nhu cầu người dân đi du xuân, tham quan danh lam thắng cảnh, lễ hội… tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng cũng tăng lên khiến nguồn cung cấp thực phẩm rất khó khăn. Cho nên, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống đã mua cả thực phẩm bẩn giá rẻ để chế biến rồi bán cho khách hàng, làm cho người dân lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng TP Hà Nội thu giữ khoảng 1 tấn nầm lợn có dấu hiệu phân hủy trên đường đưa đi tiêu thụ dịp trước Tết. (Ảnh DUY KHÁNH)
Cơ quan chức năng TP Hà Nội thu giữ khoảng 1 tấn nầm lợn có dấu hiệu phân hủy trên đường đưa đi tiêu thụ dịp trước Tết. (Ảnh DUY KHÁNH)

Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Thọ) đã tăng cường lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ liên tục phát hiện nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và thu giữ hơn 4 tấn thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, thậm chí đã chuyển mầu, bốc mùi hôi thối.

Sau đó Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Thọ) đã tiến hành tiêu hủy theo quy định. Các thực phẩm bị bắt giữ chủ yếu gồm: bánh kẹo, sữa, hạt hướng dương, chân gà, cánh gà, nội tạng động vật, các loại hải sản, giò, chả, thực phẩm đông lạnh... Tất cả các loại hàng hóa trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì đều in chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt. Đây là những mặt hàng được trẻ em rất yêu thích.

Tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thành phố cũng đã phát hiện, bắt quả tang 3 cơ sở sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, không nhãn mác để tẩy trắng măng và ngó sen tại Chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Tại một cơ sở, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ 950kg măng đã ngâm hóa chất, 2kg hóa chất để xử lý.

Cùng thời điểm, tại một cơ sở khác, cảnh sát bắt quả tang nhiều người đang tẩy trắng 850kg măng, thu giữ 18kg hóa chất các loại. Tại những nơi này còn có hàng chục tấn măng đang chờ ngâm hóa chất để bán ra thị trường. Một tổ công tác khác tiến hành kiểm tra cơ sở sơ chế ngó sen và thu giữ 135kg ngó sen đã ngâm hóa chất, 620g hóa chất mầu trắng.

Lực lượng chức năng đã tiến hành thu mẫu măng, ngó sen và hóa chất để phân tích, làm căn cứ xử lý theo quy định. Bước đầu, chủ 3 cơ sở khai nhận đã mua các loại hóa chất trên tại chợ Kim Biên, mục đích để tẩy trắng, tạo mầu đẹp hơn cho măng và ngó sen.

Thực phẩm hôi thối, hết hạn đã nguy hiểm, việc dùng hóa chất để làm tươi mới sẽ còn nguy hiểm hơn nữa. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp pháp luật và đạo đức kinh doanh để thực hiện các hành vi mua bán loại hàng hóa nguy hiểm này. Nếu cơ quan chức năng không kịp thời đấu tranh, phát hiện và thu giữ, rất có thể số hàng hóa trên sẽ được trà trộn vào trong các cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Số lượng thực phẩm bẩn bị bắt giữ từ những vụ việc bị phát hiện có thể chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm, bởi lượng thực phẩm cần tiêu thụ trong cả nước dịp trước, trong và sau Tết là rất lớn. Theo đại diện Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ, việc giết mổ chui nhằm phục vụ cho dịp Tết tại các gia đình vẫn diễn ra, bởi hoạt động này ít tốn chi phí, không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, và cũng do đó, lò mổ chui có thể trà trộn đưa lợn bệnh ra thị trường nhằm thu về lợi nhuận cao.

Thời gian sau Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm vẫn rất lớn, trong khi những ngày nghỉ các cơ sở ngừng sản xuất, do đó các cửa hàng, nhà hàng luôn tích trữ một lượng lớn thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân.

Có thể nói, thực phẩm khi đến bàn ăn phục vụ người tiêu dùng vẫn luôn tiềm ẩn những nguy hiểm từ khâu chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến… Hiện nay, công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm có sự phối hợp, tham gia giám sát, kiểm tra của 3 ngành y tế, công thương và nông nghiệp.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số bất cập, do một số quy định pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ, quá trình triển khai thực hiện đôi khi còn chồng chéo, lực lượng chuyên ngành còn ít. Thêm vào đó, việc mua bán thực phẩm dễ dàng, khiến thực phẩm bẩn vẫn còn cơ hội tồn tại. Chính vì vậy, ngoài trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn… của cơ quan chức năng, rất cần sự đồng hành của người dân. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân cần thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Trong tiêu dùng, người dân không nên tiêu thụ, mua bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình và gia đình.

Thực phẩm bẩn là thực phẩm chứa các chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Các chất này có thể là những chất hóa học, thuốc kháng sinh vượt quá mức an toàn mà Bộ Y tế cho phép trong quá trình nuôi trồng hoặc chứa những hợp chất gây hại từ việc xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là virus trong quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Người sử dụng thực phẩm bẩn có thể bị ngộ độc dẫn đến các biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…

Thông thường, phần lớn các trường hợp bị ngộ độc cấp tính sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi điều trị. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp rất nặng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguy hiểm hơn nữa, một số loại thực phẩm bẩn gây ra sự tích lũy lâu dài các độc tố và để lại hậu quả là những bệnh mãn tính cho người dùng mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, người dân nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín; không nên dùng thực phẩm có các chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư trong quá trình sản xuất, bảo quản và chế biến; tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có các yếu tố bảo vệ, có lợi cho sức khỏe nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh…

Bác sĩ CK II TRẦN NGỌC HƯƠNG

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh)

Theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính, có thể căn cứ Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ. Theo đó, mức phạt tiền cao nhất về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Cùng với hình phạt chính là phạt tiền thì người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn còn bị xử phạt bổ sung. Nếu hành vi vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền căn cứ Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt theo quy định...

Luật sư LÃ THỊ ÁNH

(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)