Sáu năm bỏ hoang một bệnh viện hiện đại

NDO -

NDĐT - Bệnh viện (BV) Bản Thi được xây dựng khang trang ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), hoàn thành năm 2008 với quy mô 50 giường và trang thiết bị y tế hiện đại. Nhưng đã sáu năm, công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn và bất bình trong nhân dân.

Bệnh biện Bản Thi với trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, bị bỏ hoang sáu năm nay.
Bệnh biện Bản Thi với trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, bị bỏ hoang sáu năm nay.

Nằm ở phía nam huyện Chợ Đồn, Bản Thi là vùng mỏ chì - kẽm lớn nhất các tỉnh phía bắc. Lúc đông nhất, tại đây có tới hàng nghìn cán bộ, công nhân Công ty kim loại màu Bắc Cạn làm việc. Phía nam huyện Chợ Đồn có các xã Bản Thi, Yên Thượng, Yên Thịnh là vùng sâu vùng xa, giao thông từ đây lên trung tâm huyện còn nhiều khó khăn.

Năm 2007, Công ty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên (Công ty mẹ của Công ty kim loại màu Bắc Cạn) đầu tư hơn 33 tỷ đồng, xây dựng BV Bản Thi. Theo thiết kế, BV có các khu nhà khang trang, các phòng chức năng với quy mô 50 giường bệnh, trang thiết bị y tế cũng thuộc hàng hiện đại lúc bấy giờ, được nhập khẩu từ CHLB Đức. Các hạng mục của BV cũng được đồng bộ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đủ điều kiện đi vào hoạt động từ năm 2008.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, cơn bão khủng hoảng kinh tế khiến giá thành khai thác và chế biến quặng tăng cao, giá bán giảm mạnh, Công ty kim loại màu Bắc Cạn lâm vào khó khăn. Từ gần một nghìn cán bộ, công nhân, đến nay chỉ còn hơn 500 người. Công ty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên, Công ty kim loại màu Bắc Cạn cũng không có khả năng về tài chính để đưa Bệnh viện Bản Thi vào hoạt động. Mặt khác, lãnh đạo Công ty kim loại màu Bắc Cạn cho biết, công ty không có chức năng khám, chữa bệnh và cũng không có khả năng điều hành, tổ chức hoạt động của bệnh viện này.   

Vì vậy, những năm qua, đã nhiều lần Công ty kim loại màu Bắc Cạn đề nghị bàn giao BV Bản Thi cho tỉnh Bắc Cạn quản lý, đưa vào sử dụng, hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Cạn Hoàng Văn Linh cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, cách đây khoảng ba, bốn năm, Sở Y tế chúng tôi tổ chức đoàn cán bộ vào làm việc với Công ty kim loại màu Bắc Cạn, khảo sát BV Bản Thi, làm báo cáo gửi UBND tỉnh. Báo cáo lâu lắm rồi, nhưng tỉnh chưa có chỉ đạo gì, có tiếp nhận hay không thì thuộc thẩm quyền của tỉnh”.

Về góc độ chuyên môn, ông Linh cho biết thêm: “Đưa bệnh viện 50 giường vào hoạt động, ít nhất cần vài chục cán bộ y tế, các chế độ kèm theo. Thuốc thang, vật tư y tế tiêu hao hằng năm cũng không phải là chuyện đơn giản đối với một tỉnh nghèo như Bắc Cạn”.

Ngoài ra, đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đang thiếu, ngân sách tỉnh eo hẹp, nếu tiếp nhận thì cũng không thể vận hành được BV Bản Thi quy mô 50 giường. Vị phó giám đốc Sở đề xuất: Nên tiếp nhận BV Bản Thi làm phòng khám đa khoa khu vực.

Công ty kim loại màu Bắc Cạn đề nghị tỉnh tiếp nhận, tỉnh “chưa có ý kiến” nên BV xây xong đã sáu năm, với vốn đầu tư thời điểm đó lên đến hơn 33 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng, quả là sự lãng phí rất lớn.

Thiết bị y tế trong kho sau thời gian dài “đắp chiều”, đến nay có lẽ đã ... han gỉ. Những toà ngang, dãy dọc là các khoa, phòng chức năng xuống cấp, rêu mốc, cây dại, cỏ tranh mọc um tùm. Là một thày thuốc lâu năm, ông Linh tâm sự: “Khi vào khảo sát BV này, thấy thiết bị y tế bỏ đó, các hạng mục được xây dựng hoàn thiện, khang trang mà không được sử dụng, bản thân tôi rất xót xa”.

Điều đáng nói khác, trong khi cơ sở vật chất BV Bản Thi còn đang bỏ hoang, thì huyện Chợ Đồn lại sử dụng hàng tỷ đồng vốn Nhà nước để xây dựng trên địa bàn xã Bản Thi một trạm xá để khám, chữa bệnh cho nhân dân.  

Mặc dù “không có chức năng khám, chữa bệnh”, nhưng không hiểu vì sao Công ty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên vẫn đầu tư xây dựng Bệnh viện Bản Thi. Đáng lưu ý hơn nữa, trong số 33 tỷ đồng bỏ ra, 28 tỷ là từ ngân sách Nhà nước, chỉ có năm tỷ là “tiền công ty”.

Một quyết định gây lãng phí lớn như vậy, nên chăng cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan?